Đặc điểm phát triển tâm lý của trẻ mẫu giáo là rất đa dạng, phức tạp và không ngừng biến đổi. Thấu hiểu được những đặc điểm này sẽ tạo cơ sở cho các bậc cha mẹ và giáo viên có những phương pháp giáo dục trẻ phù hợp nhất.
Các yếu tố ảnh hưởng tới sự phát triển tâm lý trẻ
Đặc điểm phát triển tâm lý của trẻ mẫu giáo chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác nhau:
-Ảnh hưởng của các yếu tố văn hóa
-Ảnh hưởng từ các hoạt trong môi trường sống
-Ảnh hưởng của yếu tố di truyền
-Ảnh hưởng của sự giáo dục trong gia đình và trường học
Sự phát triển cái tôi cá nhân và tính tự lập của trẻ
Một đặc điểm phát triển tâm lý của trẻ mẫu giáo nổi bật lúc này chính là ý thức về cái tôi rất rõ ràng và mãnh liệt. Trẻ đã hình thành ý thức về quyền sở hữu, biết rõ cái gì của mình và cái gì là của người khác. Chính vì thế, nếu cha mẹ không rèn tập cho trẻ biết những giới hạn thì trẻ sẽ rất dễ nảy sinh tính ích kỷ, chỉ biết điều lợi cho bản thân mà không nghĩ đến những người xung quanh mình. Cha mẹ cần quan tâm tới các con nhiều hơn nữa để hiểu được tâm lý của trẻ, đồng thời cũng cần tìm ra những phương pháp giáo dục phù hợp để áp dụng cho con.
Ngoài ra, trong giai đoạn này tính tự lập của trẻ cũng phát triển mạnh mẽ, được thể hiện qua các hành động như muốn tự mặc quần áo, tự đánh răng, tự rửa tay, tự ăn, tự sắp xếp đồ chơi, hay tự mình đi vệ sinh… Chính vì thế, người lớn cần tạo điều kiện để trẻ phát huy tính tự lập, hướng dẫn trẻ tự làm những việc trong khả năng của mình, khuyến khích các bé giúp đỡ gia đình bằng những việc phù hợp với sức khỏe và lứa tuổi.
Sự phát triển về mặt tình cảm và cảm xúc
Ở độ tuổi mẫu giáo, trẻ đã hiểu được thái độ của những người xung quanh dành cho mình và có những phản xạ cơ bản như: vui-buồn, thành công-thất bại, nhận thức được những ưu khuyết điểm của mình. Tuy nhiên, khả năng thấu hiểu của trẻ vẫn ở mức độ khá đơn giản. Trong giai đoạn này, những hành vi và lời nói của người lớn có ảnh hưởng không nhỏ đến sự hình nhân cách của trẻ. Các thói quen không tốt của người lớn như nói tục, cáu giận hay quát mắng cần phải hạn chế để tránh trẻ học theo.
Bên cạnh đó, trẻ cũng luôn luôn đòi hỏi sự quan tâm, chăm sóc từ phía cha mẹ một cách cụ thể và đa dạng hơn. Do đó, khi trẻ không hài lòng trước một sự việc nào đó đã xuất hiện thái độ chống đối ở nhiều hình thức khác nhau như giận dỗi, vùng vằng, kêu khóc,…Điều này khiến cho trẻ dễ bị tổn thương về tâm hồn nếu không nhận được sự cảm thông hay được đáp ứng trong giới hạn nhất định từ phía cha mẹ. Đây là đặc điểm phát triển tâm lý của trẻ mẫu giáo luôn khiến các bậc cha mẹ phải đau đầu để ứng xử.
Chuẩn bị tâm lý vào lớp 1 cho trẻ mẫu giáo lớn
Khi trẻ bước vào lớp 1, môi trường học tập sẽ rất khác so với mẫu giáo. Cha mẹ cần có những định hướng đúng đắn để trẻ thích nghi với môi trường mới.
-Cho trẻ làm quen với sách, vở, đồ dùng học tập. Có thể hướng dẫn con cách cầm bút, tư thế ngồi học đúng, cách xếp sách vở vào cặp, cách đeo cặp sách…
-Hướng dẫn trẻ xử lí các tình huống ở lớp như khi muốn đi vệ sinh, lúc muốn nêu ý kiến… dạy trẻ các kĩ năng quan trọng như tự lập, biết giữ sức khỏe, biết rửa tay khi nào, biết tự thay đồ, tự đi giày dép.
-Dạy trẻ khả năng tập trung chú ý, để bé nhanh chóng làm quen với môi trường học tập mới. Lúc con ở nhà, cha mẹ có thể tạo ra các trò chơi như cùng kể chuyện cho nhau nghe, thi xem ai tập tô khéo hơn,…
-Mỗi buổi tối, cần mẹ cần hỏi chuyện con về bạn bè, về cô giáo ở lớp; hỏi xem bé thích điều gì hay không thích gì nhất để biết cách giúp trẻ hào hứng với việc đi học, dần khắc phục những khó khăn bỡ ngỡ ban đầu.