Giun sán là một trong những bệnh phổ biến nhất ở trẻ em. Tuy là bệnh thông thường, nhưng nếu để lâu ngày sẽ ảnh hưởng nhiều đến hệ tiêu hóa và sự hấp thụ chất dinh dưỡng trong cơ thể bé. Dưới đây là những dấu hiệu bệnh giun sán ở trẻ em mà bố mẹ cần quan tâm để có biện pháp điều trị sớm cho trẻ.
Về tiêu hóa
Trẻ ăn uống kém, hoặc có trường hợp vẫn ăn tốt nhưng không tăng cân. Đau bụng vùng quanh rốn hoặc thành cơn ở hố chậu phải. Trẻ có nhiều giun đũa thì thường đau khi đói. Trẻ có thể nôn trớ, có thể có biểu hiện lợm giọng buồn nôn lúc buỏi sáng ngủ dậy. Một số trẻ có thế có biểu hiện đi tướt. Khi có quá nhiều giun có thể thấy nôn hoặc đi ngoài ra giun.
Các biểu hiện lâm sàng
– Trẻ có biểu hiện thiếu máu, da dẻ xanh xao.
– Trẻ có kém ngủ, đêm ngủ hay trằn trọc, có thể hay nằm sấp, kém tập trung chú ý.
– Nếu bị nhiễm giun kim trẻ có thêm biểu hiện ngứa hậu môn, hậu môn có thể bị viêm đỏ, bé gái có thể bị viêm âm đạo.
– Một số trẻ có biểu hiện sốt, ho, mệt mỏi, kém ăn do ấu trùng di chuyển ở phổi
Các triệu chứng cận lâm sàng khác
– Xét nghiệm máu thấy lượng bạch cầu ưa axit tăng.
– Xét nghiệm phân thấy trứng giun.
Ngoài ra, trẻ bị nhiễm sán thường do ăn thịt bò hoặc một số loại thịt đỏ chưa nấu chín. Trẻ có sán thường đi ngoài ra những đoạn sán nhỏ màu trắng. Những đoạn này có chứa rất nhiều trứng ở bên trong. Cha mẹ có thể thấy những khúc sán như thế ở quần, ở trên giường của trẻ.
Nhìn chung: Trẻ thường gầy gò, ốm yếu, xanh xao, bụng to bè, chậm lớn, biếng ăn, dễ nôn mửa. Ngoài ra, bé thường xuyên đau bụng quanh rốn, bị rối loạn tiêu hóa, đi phân lỏng. Mẹ có thể phát hiện thêm dấu hiệu bé bị nhiễm giun dựa vào thói quen trằn trọc, gãi hậu môn do ngứa trong lúc ngủ.
Nếu không phát hiện bệnh và tẩy giun cho bé kịp thời, hậu quả để lại rất nguy hiểm. Giun có thể chui vào ống mật làm tắt ống mật, chui vào mạch máu, qua gan qua phổi… Sức khỏe và sự phát triển thể chất của trẻ vì thế mà bị ảnh hưởng trầm trọng.