Kawasaki là một trong những bệnh lý nguy hiểm thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi. Đây là một hội chứng da niêm mạc hạch bạch huyết nếu không được chữa trị sớm sẽ biến chứng rất nhanh gây nguy hiểm. Dưới đây là một số dấu hiệu bệnh kawasaki ở trẻ em thường gặp mà cố mẹ cần chú ý để phát hiện sớm.
Kawasaki là bệnh gì?
Bệnh Kawasaki là một căn bệnh bất thường có liên quan đến sự viêm của các mạch máu trong toàn bộ cơ thể. Bệnh nếu để lâu dài sẽ làm tổn thương động mạch vành gây ra bệnh tim ở trẻ em. Bệnh này được phát hiện vào năm 1967 do một bác sĩ nhi khoa người Nhật Bản cùng tên. Cho đến nay, số lượng trẻ mắc phải bệnh Kawasaki vẫn không ngừng tăng và phổ biến ở các bé trai gấp 2 lần ở bé gái.
Dấu hiệu nhận biết bệnh Kawasaki
Sốt: Đây mặc dù là dấu hiệu chung của đa số các bệnh, nhưng bố mẹ cũng không nên bỏ qua bởi đây là triệu chứng sớm nhất của bệnh. Trẻ mắc bệnh kawasaki thường sốt rất nhanh và biến đổi từ 38 đến 40 độ C.
Cổ sưng và nổi hạch bạch huyết: với dấu hiệu này, bố mẹ có thể dùng tay sờ, nắn nhẹ xung quanh vùng cổ của trẻ để nhận biết nhé.
Phát ban: trẻ mắc bệnh này thường hình thành những vùng ban rõ rệt, nhất là ở háng. Bằng mắt thường, bố mẹ có thể quan sát được những vùng màu đỏ sáng (gồm nhiều đốm không rõ nét với các kích cỡ khác nhau). Các đốm này sẽ tiếp tục rõ dần cùng với triệu chứng sốt ở trẻ.
Viêm mắt (viêm màng kết): dấu hiệu này được hình thành trong tuần mắc bệnh đầu tiên của trẻ và thường không chảy dịch.
Lưỡi dâu tây: lúc này, lưỡi của trẻ sẽ đỏ ửng và nhú ra các mụn đỏ trông như hạt của quả dâu tây trên khắp bề mặt lưỡi khiến lưỡi của trẻ trở nên khô, nứt và đau nhức. Bên cạnh đó, màng nhầy ở miệng cũng chuyển sang màu đỏ sẫm hơn thông thường.
Trẻ dễ cáu kỉnh: những dấu hiệu đã kể trên chính là nguyên nhân khiến trẻ khó chịu và cáu kỉnh trong thời gian dài. Do vậy, nếu cảm nhận thấy sự thay đổi tính cách thất thường của trẻ, bố mẹ cũng nên đưa con đến gặp bác sĩ chuyên kho để có sự thăm khám sớm nhất.
Da bong tróc: ở giai đoạn giữa, các triệu chứng kia sẽ dần giảm xuống và biến mất khi trẻ không còn sốt nhiều. Tuy nhiên, lúc này, nếu quan sát kỹ, bố mẹ sẽ nhạn thấy: lòng bàn tay/ bàn chân của trẻ bị sưng lên, có màu đỏ sáng, da quanh các móng và da tay/chân bắt đầu có sự bong tróc (giống cơ chế lột da ở rắn)
Viêm và đau các khớp: đây là dấu hiệu khi bệnh đã có sự chuyển biến nặng hơn. Bé sẽ cảm thấy rất đau nhức ở các khớp gối, hông, mắt cá. Triệu chứng đau nhức này sẽ kéo dài khiến bệnh chuyển biến nhanh chóng sang tim và các cơ quan khác.
Cho đến nay, các chuyên gia vẫn chưa thể đưa ra nguyên nhân chính xác của bệnh này là gì. Tuy nhiên, bố mẹ cần có hiểu biết để có thể phát hiện sớm nhất các dấu hiệu của bệnh và cho trẻ thăm khám kịp thời.