Thiếu máu là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, nó làm cho bé cảm thấy mệt mỏi, quấy khóc và ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển của trẻ. Vậy dấu hiệu bệnh thiếu máu ở trẻ em được biểu hiện như thế nào? Các mẹ hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé.
Thông thường dấu hiệu nhận biết bệnh thiếu máu không quá rõ rệt vì vậy mà hầu hết trường hợp cha mẹ đều không phát hiện được, chỉ khi con mắc bệnh, cho bé đi khám và phải làm xét nghiệm mới vô tình biết rằng con mình bị thiếu máu. Tuy nhiên trên thực tế các bậc cha mẹ có thể dựa vào một số triệu chứng sau để nhận biết:
Triệu chứng lâm sàng
– Sức đề kháng yếu, dễ mệt khi chơi đùa, da nhợt nhạt, xanh xao hoặc tái (ngoài ra, đường viền mí mắt và lớp da dưới móng ít hồng hơn bình thường), hay cáu gắt, quấy khóc… Trẻ còn trở nên biếng ăn, bị chóng mặt hay cảm thấy có đốm sáng trước mặt.
– Trẻ em bị bệnh thiếu máu nghiêm trọng có thể có những dấu hiệu và triệu chứng sau đây: Thở dốc, tim đập nhanh, tay chân sưng phù. Trong đó nhịp tim nhanh là một triệu chứng điển hình của bệnh thiếu máu ở trẻ em, bởi thiếu máu là thiếu hồng cầu chuyên chở oxy, gây ra thiếu oxy đến các cơ quan. Do đó, cơ thể bù lại bằng cách tăng nhịp tim lên để đẩy máu đi với tốc độ nhanh hơn, hay được hiểu như là tăng tốc độ của “xe” chuyên chở oxy lên để chở đủ oxy giao cho mô.
– Ngoài ra, trẻ sơ sinh bị bệnh thiếu máu do vỡ hồng cầu có thể vàng da, mặc dù nhiều trẻ sơ sinh có thể bị vàng da nhẹ nhưng không thiếu máu.
– Thiếu máu do thiết sắt nếu nặng sẽ làm trẻ chậm phát triển thể chất và khả năng vận động (chậm biết ngồi, đứng, đi), tóc thưa dễ gãy, dễ rụng, móng tay, móng chân biến dạng, gan lách to…
– Trẻ còn bị giảm sức đề kháng, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng nhưng quan trọng nhất là làm giảm chỉ số thông minh, giảm khả năng tư duy, sáng tạo, kết quả học tập kém.
Triệu chứng xét nghiệm
Thiếu máu thiếu sắt có đặc điểm là thiếu máu nhược sắc, hổng cầu nhỏ. Huyết sắc tố giảm nhiều hơn số lượng hồng cầu.
Sắt huyết thanh giảm < 10 p,mol/l (bình thường 11 – 28 p,mol/l).
Nếu con bạn có những dấu hiệu hoặc triệu chứng này, hãy đưa bé đến gặp bác sĩ nhi khoa. Trong hầu hết các trường hợp, chỉ cần xét nghiệm máu đơn giản có thể chẩn đoán được bệnh thiếu máu. Đây là bệnh tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu để lâu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng bé còi xương, suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sự phát triển thể lực cũng như trí tuệ của trẻ. Và một trong những cách phòng tránh tốt nhất bệnh thiếu máu ở trẻ em là khám sức khỏe định kỳ cho bé 6 tháng/lần để phát hiện, điều trị kịp thời các bệnh thường gặp.