Đối với trẻ nhỏ, viêm ruột thừa là bệnh nguy hiểm, tiến triển rất nhanh và có thể vỡ dễ dàng. Do vậy việc phát hiện và chẩn đoán sớm dấu hiệu bệnh viêm ruột thừa ở trẻ em để có cách điều trị kịp thời là điều rất thiết.
Ruột thừa là gì?
Ruột thừa là một bộ phận nhỏ, có kích thước như ngón tay cái nằm ở phía dưới bên phải của bụng, có một đầu thông với manh tràng (đoạn đầu tiên của ruột già) còn một đầu bịt kín.
Theo các bác sĩ của khoa ngoại, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết: Viêm ruột thừa ở trẻ em là một bệnh lý khá phổ biến. Trong đó, đối với trường hợp chưa có biến chứng, mổ xong trẻ hồi phục rất nhanh; nhưng cũng có những trường hợp trẻ bị viêm ruột thừa nặng, đã xảy ra biến chứng như: Vỡ, abces ruột thừa, mủ lan tràn khắp ổ bụng thì sau khi mổ xong còn có thể gây biến chứng nguy hiểm.
Dấu hiệu bệnh viêm ruột thừa ở trẻ em
Bệnh viêm ruột thừa ở trẻ em hầu như không có cách phòng tránh, ngăn chặn. Vì vậy quan trọng là phải biết cách nhận biết các dấu hiệu và phân biệt nó với bệnh đau dạ dày để trẻ được chăm sóc, điều trị kịp thời:
Một trong những dấu hiệu của trẻ bị viêm ruột thừa là cảm thấy đau bụng vùng quanh rốn, hố chậu phải, sốt nhẹ, trướng bụng, buồn nôn và nôn, tiêu lỏng. Trong đó, triệu chứng điển hình nhất là đau vùng bụng dưới bên phải.
Trẻ bị viêm ruột thừa nếu quan sát sẽ thấy môi bé rất khô, đó là biểu hiện của tình trạng nhiễm trùng. Phần lớn trẻ sốt từ 380C – 3805 C nhưng nhiều trẻ chỉ khi đoạn ruột thừa viêm bị vỡ ra mới sốt. Ngoài ra, bé sẽ cảm thấy cơ thể mệt mỏi, chán ăn, bụng trướng do ruột bị kích thích kèm theo buồn nôn, nôn ói. Có thể bị tiêu chảy hoặc không, nhưng nếu có sẽ làm tăng khả năng chẩn đoán.
Biểu hiện nôn và tiêu chảy ở trẻ bị viêm ruột thừa cũng dễ bị nhầm với bệnh rối loạn tiêu hóa trong khi các biện pháp chẩn đoán hình ảnh như siêu âm không phải lúc nào cũng phát hiện tổn thương viêm ruột thừa.
Các triệu chứng trên có thể xuất hiện không đầy đủ. Do đó, nếu thấy trẻ đau bụng nhiều, không giảm sau 1 – 2 giờ kèm theo nôn, đi lỏng, sốt cần đưa bé đến ngay bệnh viện để được bác sĩ kiểm tra và theo dõi. Ngoài ra, phụ huynh tuyệt đối không nên tự ý dùng thuốc giảm đau cho trẻ nếu bé đau bụng trong khi chưa xác định được nguyên nhân, vì thuốc có thể làm mất các triệu chứng bệnh và gây khó khăn cho việc chẩn đoán của bác sĩ cũng như nguy hiểm đến trẻ.
Biện pháp chẩn đoán viêm ruột thừa
Siêu âm là một cận lâm sàng tốt, không xâm lấn và không gây hại. Siêu âm có thể thấy được hình ảnh ruột thừa to hơn bình thường, có thể phát hiện được viêm, thấy được dịch trong ổ bụng… giúp bác sĩ phân biệt với nhiều loại bệnh lý khác nhau nhưng cùng có triệu chứng là đau bụng.
Tuy nhiên siêu âm không phải lúc nào cũng phát hiện tổn thương viêm ruột thừa, do đó nó được xem như một công cụ hỗ trợ trong công tác theo dõi viêm ruột thừa chứ không phải là tiêu chuẩn vàng quyết định viêm ruột thừa. Chẩn đoán viêm ruột thừa cần chủ yếu dựa vào dấu hiệu lâm sàng, do đó trong quá trình chăm sóc trẻ các mẹ cần theo dõi, chú ý những biểu hiện bất thường của bé.