Bệnh tim bẩm sinh ở trẻ em là bệnh khá nguy hiểm và để lại nhiều di chứng nặng nề nếu không được điều trị kịp thời. Vì vậy các mẹ cần chú ý dấu hiệu bệnh tim bẩm sinh ở trẻ em để có cách trị bệnh cho bé tốt nhất.
Dấu hiệu bệnh tim bẩm sinh ở trẻ em
Xem thêm: Nguyên nhân gây ra bệnh tim bẩm sinh ở trẻ em
Trong một số trường hợp, trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh nhưng không có biểu hiện gì. Như chị Bùi Mai Linh, Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ: “Tôi không thấy cháu có biểu hiện bất thường, cháu vẫn ăn và chơi điều độ, không quấy khóc, chỉ khi tình cờ cho con đi khám sức khỏe tổng quát tôi mới biết cháu bị tim bẩm sinh, nghe xong tôi cũng thấy giật mình”.
Đó là trường hợp bé bị bệnh nhẹ, dị tật không nặng khiến cha mẹ khó phát hiện. Tuy nhiên một số dị tật khác cũng hay đi kèm với bệnh tim bẩm sinh như: Sứt môi – chẻ vòm, hội chứng Down, thiếu hoặc thừa ngón tay – ngón chân, tật đầu nhỏ, đầu to…
Đối với một số trường hợp thông thường sẽ có dấu hiệu để nhận biết như:
– Trẻ hay bị ho, thở khò khè tái đi tái lại, thở khác thường (thở nhanh, lồng ngực rút lõm khi hít vào), thường xuyên bị viêm phổi.
– Mỗi lần bú hay khóc đều bị khó thở.
– Da trẻ xanh xao, lạnh, vã mồ hôi.
– Môi, đầu ngón tay, ngón chân hay bị tím và càng nặng hơn khi bé khóc nhiều.
– Trẻ bú hoặc ăn kém, mỗi cữ bú ngắn, chậm lên cân, thậm chí không tăng cân hay sụt cân.
– Trẻ đi tiểu ít hơn bình thường.
Nếu thấy bé có một trong những biểu hiện trên bạn cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện để được bác sĩ kiểm tra. Cha mẹ cũng cần hỏi bác sĩ chuyên khoa tim mạch những vấn đề quan tâm như: Đặc điểm tổn thương, cách thức điều trị, diễn tiến của bệnh, nếu có phẫu thuật thì thời điểm nào tốt nhất để phẫu thuật, cách chăm sóc trẻ tại nhà…
Cách phòng ngừa bệnh tim bẩm sinh
Để phòng tránh bệnh tim bẩm sinh cho con, trong quá trình mang thai đặc biệt là trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ, người mẹ cần chú ý những điều sau:
– Thường xuyên khám thai theo định kỳ để tầm soát bệnh tim bẩm sinh cho trẻ và phát hiện các dị tật khác
– Không tiếp xúc hoặc làm việc trong môi trường có tia phóng xạ nguy hiểm như tia gama, tia X-quang, các hóa chất độc hại…
– Không được uống thuốc an thần, thuốc nội tiết tố, rượu, hút thuốc lá hay các chất gây nghiện khác.
– Cần tiêm phòng và cách ly với môi trường có virus gây các bệnh như: Quai bị, herpes, cytomegalovirus, rubela, coxsaskie B…
– Nếu trong thời gian mang thai người mẹ bị lupuss ban đỏ, tiểu đường cần được điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ.
– Khi mang thai cần tránh thực phẩm có nhiều hóa chất độc hại, thực phẩm ôi thiu gây ngộ độc thực phẩm dẫn đến nguy hiểm cho thai nhi.