Đứa trẻ hoạt bát, năng động thích chơi đùa với các bạn giờ lại sợ tiếp xúc với mọi người, tự tạo thế giới riêng mà ở đó chỉ có một mình. Những món đồ chơi yêu thích cũng không còn là niềm hứng thú. Đó có thể là dấu hiệu bệnh trầm cảm ở trẻ em.
Xem thêm: Nguyên nhân gây ra bệnh trầm cảm ở trẻ em
Bệnh trầm cảm ở trẻ em
Nhiều người, thậm chí các nhà khoa học cũng từng cho rằng trầm cảm là chuyện riêng của người lớn, nhưng khoảng 2 thập kỷ trở lại đây các kết quả nghiên cứu cho thấy bệnh trầm cảm còn gặp cả ở trẻ em. Nhiều trẻ mắc bệnh nhưng cha mẹ không hề hay biết và những đứa trẻ tội nghiệp đó thường bị mắng là lười biếng, nhút nhát, cứng đầu, không biết nghe lời. Cũng không ít trẻ bị chẩn đoán nhầm thành rối loạn tăng động giảm chú ý, phản ứng tạm thời với stress…
Bệnh trầm cảm ở trẻ em bao gồm các rối loạn cảm xúc như loạn khí sắc, rối loạn cảm xúc lưỡng cực, trầm cảm điển hình. Đây là bệnh sức khỏe tâm thần trầm trọng, thậm chí có thể dẫn tới hành vi tự tử ở trẻ. Thông thường các đợt tái phát bệnh lần sau sẽ nặng hơn lần trước, dẫn tới việc trẻ không thể kiểm soát được hành vi của mình.
Dấu hiệu bệnh trầm cảm ở trẻ em
Bệnh trầm cảm ở trẻ em là bệnh nguy hiểm nhưng nhiều bậc cha mẹ lại không hề biết rằng con mình đang bị bệnh và theo thời gian khiến bệnh tình nặng hơn, để lại những hậu quả nặng nề. Phần vì do cha mẹ chưa quan tâm sâu sắc tới con, phần do những dấu hiệu của bệnh trầm cảm ở trẻ nhỏ rất khó nhận biết.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, những dấu hiệu dưới đây cho thấy trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ có khả năng mắc bệnh trầm cảm:
– Trẻ hay giật mình, khóc nhiều về đêm và rối loạn trong giấc ngủ.
– Trẻ thay đổi thói quen bú mẹ: Bình thường đến giờ bé sẽ đòi mẹ cho bú nhưng mấy bữa nay trẻ có dấu hiệu bú rất ít thậm chí bỏ bú.
– Chậm phát triển về nhận thức và vận động: Thường hơn 1 tuổi bé sẽ biết bò, biết bi bô một vài câu nhưng nếu đến 2, 3 tuổi trẻ vẫn chưa có biểu hiện gì thì cha mẹ cần chú ý.
– Sự tập trung chú ý và trí nhớ của trẻ kém: Một số trẻ thường hay quên những việc cần phải làm hay một nhiệm vụ nào đó khi được bố mẹ giao. Cũng có thể chúng tỏ ra lơ đãng, chẳng còn quan tâm tới vấn đề gì.
– Trẻ hay cáu gắt bất thường: Trẻ dễ gắt gỏng, lúc nào cũng cau có, và chúng thường che đậy nỗi chán chường với người lớn. Chẳng hạn như thay vì nói với bạn là trẻ cảm thấy buồn, chúng lại bỏ đi hoặc nói những lời nhấm nhẳng
– Trẻ thường xuyên lo âu, sợ sệt hoặc ngại ngần trong khi trước đây chúng rất bạo dạn.
Hậu quả của bệnh trầm cảm ở trẻ em
– Về mặt phát triển xã hội, bệnh trầm cảm có thể để lại hậu quả lâu dài và nặng nề. Thông thường một đợt trầm cảm có thể kéo dài 9 tháng đến một năm học, vì vậy nếu không được điều trị kịp thời bé sẽ khó để theo kịp các bạn, dẫn tới việc học hành sa sút, khi lớn lên khó tìm việc làm, các mối quan hệ gia đình, xã hội bị hạn chế và gặp nhiều khó khăn.
– Trẻ trầm cảm cũng dễ nghiện thuốc lá, rượu, ma túy dẫn đến các hành vi không tốt.
– Nếu để lâu ngày có thể dẫn đến việc trẻ tử tự, đây là vấn đề đáng lo ngại nhất đối với những trẻ mắc căn bệnh trầm cảm.
Do di chứng mà bệnh trầm cảm để lại rất nặng nề, nó là “gánh nặng” cho gia đình và xã hội. Vì thế việc tìm hiểu dấu hiệu bệnh trầm cảm ở trẻ em sẽ giúp các mẹ có cách điều trị cũng như phòng tránh bệnh cho bé tốt nhất.