Những dấu hiệu trẻ chậm phát triển trí tuệ thường có phần trầm lắng hơn so với một số bệnh khác ở trẻ em nên thường bị bỏ sót. Dưới đây là những biểu hiện ở trẻ chậm phát triển trí tuệ mà các mẹ cần biết.
Chậm phát triển trí tuệ ở trẻ là gì?
Chậm phát triển trí tuệ hay còn gọi là thiểu năng trí tuệ là một dạng khiếm khuyết đặc trưng của trí tuệ hay khả năng tinh thần ở dưới mức trung bình và thiếu đi những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống hằng ngày. Trẻ chậm phát triển trí tuệ bị hạn chế ở hai mặt sau: Thứ nhất là khả năng học hỏi, khả năng tư duy để giải quyết vấn đề. Thứ hai là khả năng thích nghi, khả năng giao tiếp với người khác và khả năng tự lập.
Nhận biết những dấu hiệu trẻ chậm phát triển trí tuệ
Qua ngoại hình: Khi mới sinh, trẻ không khóc ngay hoặc tiếng khóc rất yếu ớt, da tím tái. Một số bé khi sinh ra có diện mạo mang dấu hiệu bệnh như mũi tẹt, miệng há, lưỡi hay thè ra ngoài, khoảng cách giữa hai mắt rộng, mỗi khi bé khóc thì hai mắt xếch lên. Khi được 6 tháng tuổi, vòng đầu của bé vẫn nhỏ hơn 43 cm, trán hẹp, chẩm đầu dẹp, đôi khi xuất hiện co giật. Trẻ gặp nhiều khó khăn trong ăn uống như bú, nuốt và nhai, hay bị sặc hoặc nghẹn. Trẻ 6 tháng tuổi vẫn lặng lẽ, ít cử động, không quấy khóc, tiếng khóc nghe rất yếu. Đây chính là dấu hiệu trẻ chậm phát triển trí tuệ dễ nhận biết nhất.
Qua vận động của trẻ: Khi ta bế trẻ, người trẻ bị duỗi đờ, quá mềm hoặc quá cứng mà không có phản xạ co người lại. Một số trẻ sau 7 tháng tuổi khi ăn vẫn chưa biết nhai, chỉ ngậm đồ ăn trong miệng mà không nuốt. Hai chân trẻ luôn trong trạng thái bắt chéo khi đứng lên, khó khăn trong việc đi lại. Trẻ chậm phát triển trí tuệ sẽ chậm biết đi, khi vận động chân tay rất lóng ngóng, không linh hoạt.
Qua khả năng nhận thức: Trẻ luôn trong trạng thái thụ động, chỉ nằm suốt ngày. Khi trẻ đã 5 tháng tuổi chưa có những phản ứng muốn nhận biết thế giới xung quanh. Trẻ luôn tỏ ra thờ ơ với mọi vật xung quanh, phản ứng rất chậm. Trẻ thiếu tích cực và luôn thụ động trong việc quan sát các sự vật, sự việc. Đến tuổi đi học, nhiều trẻ gặp khó khăn khi nhớ mặt chữ và số đếm. Khả năng nhận biết màu sắc, chi tiết các sự vật rất kém. Ở trẻ chậm phát triển trí tuệ, quá trình ghi nhớ sự việc thường dễ bị phân tán, không tập trung; trẻ thường nhớ rất kém, nhớ cái mới có thể quên ngay cái cũ. Nhiều trẻ chỉ nhớ được cái bên ngoài, khó ghi nhớ những cái thuộc về chi tiết.
Biểu hiện qua ngôn ngữ giao tiếp: Trẻ 3 tháng tuổi mà vẫn không biết cười, đùa khi được hỏi chuyện. Trẻ 4 tháng tuổi mà vẫn không có phản ứng với âm thanh của các đồ chơi như: kèn, trống, chuông, lục lạc,…Trẻ chậm nói, vốn từ sử dụng nghèo nàn, khả năng diễn đạt kém. Khả năng hiểu của trẻ chậm hơn những trẻ khác ở cùng độ tuổi.
Qua việc trẻ vui chơi: Trẻ 6 tháng tuổi nhưng không biết dõi theo đồ vật hoặc mọi người xung quanh. Sau 6 tháng đến 12 tháng tuổi mà trẻ vẫn hay nghịch tay của mình hoặc thường xuyên đưa đồ chơi vào miệng ngậm. Lớn hơn chút, khi chơi trẻ thường ném, đập phá đồ chơi và ít chơi với trẻ khác, thiếu tính hợp tác với các bé khác trong khi chơi.
Chăm sóc và mong muốn con mình được khỏe mạnh luôn là mục tiêu của bất kì ông bố bà mẹ nào. Tuy nhiên, không phải bé nào cũng có quá trình phát triển bình thường và khỏe mạnh. Vì vậy các bậc cha mẹ cần theo dõi để nhận biết những dấu hiệu trẻ chậm phát triển trí tuệ, để hỗ trợ con trẻ kịp thời nhất trong việc điều trị bệnh.