Hiện nay, vấn đề dậy thì sớm càng ngày càng có xu hướng gia tăng, khiến các bậc cha mẹ không khỏi lo lắng, hoang mang. Tỉ lệ dậy thì sớm ở bé gái hiện nay cao hơn nhiều lần ở các bé trai. Thông tin trên phương tiện đại chúng về vấn đề này khá nhiều, nhưng các bậc cha mẹ nhiều người vẫn chưa biết rõ các dấu hiệu, cũng như cách xử trí khi gặp phải vấn đề này như thế nào. Để tránh bị động trước vấn đề đang mang tính thời đại này, các phụ huynh cần nắm rõ thông tin và theo dõi con mình để xử lý kịp thời trước khi quá muộn.
Những dấu hiệu của dậy thì sớm ở bé gái
Với bé gái, độ tuổi dậy thì bình thường hiện nay đang được quy định là từ 8 đến 12 tuổi. Nếu bé xuất hiện các dấu hiệu dậy thì sớm hơn độ tuổi quy định này thì được coi là dậy thì sớm.
Dậy thì sớm xuất hiện ở các bé gái nhiều hơn 10 lần so với các bé trai. Dấu hiệu điển hình để nhận biết tình trạng dậy thì sớm ở trẻ là: vú và lông mu phát triển, xuất hiện dịch nhầy, kinh nguyệt,…
Nguyên nhân dẫn đến dậy thì sớm ở bé gái
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến dậy thì sớm ở trẻ, nhưng về cơ bản có 4 nguyên nhân chủ yếu sau:
- Yếu tố di truyền từ các thế hệ trong gia đình, đa số là di truyền từ bố, gen bên nội
- Trẻ em thừa cân hoặc béo phì sẽ làm tăng nguy cơ dậy thì sớm
- Chế độ ăn nhiều protein, ăn nhiều thịt, có thể dẫn tới lớn trước tuổi, từ đó có nguy cơ dậy thì sớm.
- Chất tẩy rửa, thuốc trừ sâu và đồ nhựa công nghiệp và những sản phẩm khó phân hủy đều là những vật chất có thể sản xuất ra một loạt các rối loạn nội tiết, dẫn đến sự phát triển hệ sinh dục quá sớm ở trẻ.
Nguy cơ và cách xử trí khi trẻ có dấu hiệu dậy thì sớm ở bé gái
Dậy thì sớm không chỉ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, mà còn ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ sau này.
Chiều cao hạn chế:
Trong suốt thời kỳ dậy thì, xương liên tục trưởng thành với tốc độ tăng nhanh. Ở trẻ dậy thì sớm, giai đoạn trẻ cao lên nhanh bắt đầu sớm và thường cũng kết thúc sớm hơn bình thường. Đầu tiên, trẻ lớn vọt so với các bạn cùng lứa, nhưng sau vài năm sẽ ngừng phát triển, hai đầu khớp xương khép lại, không phát triển nữa và trẻ không thể đạt chiều cao tối đa của người trưởng thành. Chẩn đoán và can thiệp sớm, các bác sỹ sẽ có các biện pháp giúp làm chậm quá trình dậy thì sớm, đưa tốc độ tăng trưởng của trẻ trở lại nhịp điệu thích hợp.
Rối loạn nội tiết tố ở giai đoạn sau này:
Chu kỳ kinh nguyệt trước khi 8 tuổi có nguy cơ phát triển chứng rối loạn tiết tố gây buồng trứng đa nang.
Gây tâm lý tự ti cho trẻ:
Trẻ còn nhỏ tuổi chưa kịp hiểu về những thay đổi trên cơ thể mình, hoang mang, ngại ngùng. Tâm lý thấy mình khác với các bạn cùng trang lứa khiến dễ làm cho trẻ tự ti, sống khép mình với bè bạn và mọi người xung quanh, dẫn đến sự hạn chế nhiều mặt về tâm lý của trẻ khi trưởng thành
Cách xử trí khi trẻ có dấu hiệu dậy thì sớm
Khi trẻ có bất kỳ dấu hiệu dậy thì sớm nào, cần đưa trẻ đến bệnh viện để xét nghiệm máu và nước tiểu giúp phát hiện hàm lượng hormon bất thường; chụp cắt lớp, cộng hưởng từ và siêu âm giúp phát hiện các khối u có thể là nguyên nhân gây dậy thì sớm; chụp Xquang cổ tay giúp xác định tốc độ trưởng thành của xương…
Và cách tốt nhất là phòng còn hơn chữa, yếu tố có thể làm giảm nguy cơ trẻ bị dậy thì sớm bao gồm chế độ dinh dưỡng, thể dục thể thao hợp lý.
Các phụ huynh cần chú ý tăng cường rau củ quả vào chế độ ăn cho trẻ, tránh tẩm bổ quá nhiều, luôn ăn uống lành mạnh, tránh ăn đồ ăn chế biến sẵn, thực phẩm chiên rán và ăn uống ở những nơi không được kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm, khuyến khích trẻ vận động, thể thao cho tiêu hao bớt năng lượng dư thừa.