Dậy thì sớm ở trẻ hiện nay đã không còn là vấn đề xa lạ ở Việt Nam. Tuy phát triển về sinh lý, nhưng tâm lý trẻ dậy thì sớm chưa thực sự phát triển đầy đủ, vì thế phụ huynh cần gần gũi, chia sẻ, hướng dẫn, chăm sóc tận tình để trẻ không lâm vào tình trạng trầm cảm hoặc có nguy cơ bị lạm dụng tình dục.
Dấu hiệu dậy thì sớm ở trẻ
Dấu hiệu dậy thì sớm ở bé gái: vòng 1 phát triển, mọc lông mu hoặc lông nách, hình dáng cơ quan sinh dục ngoài thay đổi, tiết dịch âm đạo, bắt đầu thời kỳ “đèn đỏ”…
Dấu hiệu dậy thì sớm ở bé trai: tinh hoàn hoặc dương vật to lên, xuất hiện lông mu hoặc lông nách, ria mép, trứng cá, vỡ giọng…
Ở trẻ dậy thì sớm, giai đoạn trẻ cao lên nhanh bắt đầu sớm, trẻ sẽ lớn vọt lên so với các bạn cùng lứa, tuy nhiên sau vài năm chúng chững lại và không thể đạt chiều cao như người trưởng thành bình thường.
Vì sao trẻ dậy thì sớm?
Yếu tố di truyền: 1/4 trẻ em dậy thì sớm được ghi nhận là do yếu tố di truyền từ cha mẹ, người thân trong gia đình.
Lười vận động: Đây là lý do khiến năng lượng dư thừa tích trong người trẻ không được giải phóng sẽ kích thích con dậy thì sớm hơn tuổi.
Ngủ muộn: Tuyến yên, cơ quan sản xuất ra hormone tăng trưởng hoạt động mạnh vào ban đêm. Do đó, khi trẻ thức khuya, ngủ muộn, ngủ không đủ giấc sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan này, dẫn tới tình trạng dậy thì sớm ở trẻ.
Tình trạng béo phì: Thừa cân, béo phì là nguyên nhân làm tăng nguy cơ dậy thì sớm ở trẻ.
Do ăn uống: Việc tiêu thụ thực phẩm bẩn như rau tồn dư hoá chất độc hại, lợn chứa chất tạo nạc salbutamol và hormone tăng trưởng… trong quá trình dài có thể gây ra biến đổi có thể là một trong những tác nhân gây dậy thì sớm ở trẻ. Ngoài ra, việc bổ sung dinh dưỡng quá mức, dư thừa thịt, protein có thể dẫn tới dậy thì sớm ở trẻ.
Tác nhân môi trường: Chất tẩy rửa, thuốc trừ sâu, đồ nhựa công nghiệp… có thể gây rối loạn nội tiết, dẫn đến dậy thì sớm ở trẻ.
Do tác động của phim ảnh, đời sống: Việc tiếp xúc sớm với bạo lực, nội dung phim ảnh dành cho người lớn, chứng kiến cha mẹ “hành sự”… có ảnh hưởng tới não bộ của trẻ, khiến tuyến yên bài tiết ra gonadotropin, kích thích tinh hoàn và buồng trứng sản sinh hormone giới tính, từ đó gây dậy thì sớm ở trẻ.
Do bệnh lý: Một số bệnh lý có thể là nguyên nhân gây dậy thì sớm ở trẻ như: u nang buồng trứng, u não, các bệnh tuyến giáp…
Tác hại của dậy thì sớm ở trẻ
Trẻ dậy thì sớm khi trưởng thành thường có cơ thể thấp bé hơn những đứa trẻ cùng trang lứa vì khi trẻ “lớn sớm”, hormone sinh dục được tiết ra nhiều làm cho đóng tuổi xương mạnh mẽ.
Khi trẻ dậy thì sớm thì tâm lý của trẻ sẽ có sự thay đổi, từ bất ngờ đến sợ sệt. Nếu trẻ không có người thân như bố mẹ gần gũi, chia sẻ, hướng dẫn, chăm sóc tận tình thì sẽ rất dễ sa vào hoảng loạn, không cẩn thận thì trẻ có thể bị chấn sang tâm lý, trầm cảm.
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, bé gái dậy thì sớm gặp nhiều vấn đề về hành vi cư xử, dễ quan hệ tình dục sớm, dễ bị quấy rối và tự tử. Bé trai dậy thì sớm có khả năng xuất hiện hành vi nguy hiểm như dùng ma túy, uống rượu và vi phạm pháp luật.
Dậy thì sớm ở trẻ là tác nhân dẫn tới nguy cơ mắc ung thư vú, các bệnh tim mạch, trầm cảm, đái tháo đường, vô sinh…
Phòng ngừa dậy thì sớm ở trẻ
Khi xây dựng khẩu phần ăn và chế độ dinh dưỡng cho trẻ, cha mẹ lưu ý: Tránh những thức ăn bổ sung dinh dưỡng, bồi bổ quá mức khiến nội tiết tố của trẻ bị thay đổi, tránh cho trẻ tiêu thụ thịt gia súc gia cầm có chứa chất tăng trọng, hải sản chứa hormone tăng trưởng, nuôi công nghiệp và trái cây có hoá chất bảo vệ thực vật, hạn chế tối đa việc cho trẻ ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ, thực phẩm chứa chất béo và lượng đường cao…
Tạo cho trẻ thói quen ngủ đúng giờ, đủ giấc, tăng cường các hoạt động thể chất như tập thể dục, chơi cầu lông, bóng rổ, chạy bộ, nhảy dây, đá cầu… giúp giải phóng, tiêu hao năng lượng. Bên cạnh đó, cha mẹ cần giáo dục giới tính cho trẻ từ sớm, đồng thời không cho trẻ tiếp xúc với văn hoá phẩm độc hại. Ngoài ra, hạn chế cho trẻ sử dụng đồ nhựa, các sản phẩm tẩy rửa…
Khi thấy con em có dấu hiệu của việc dậy thì sớm, cha mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa uy tín để được tư vấn, thăm khám và điều trị sớm. Trường hợp dậy thì sớm do u nang buồng trứng, tuyến thượng thận, u não, bệnh tuyến giáp…, trẻ sẽ được chữa trị hoặc chỉ định phẫu thuật nếu cần thiết.
Nếu trẻ dậy thì sớm do lượng hormone cao hơn bình thường, các chuyên gia y tế sẽ can thiệp để kìm hãm bớt sự phát triển của hormone sinh dục. Lưu ý, thuốc nội tiết dành cho trẻ cần tuyệt đối tuân theo theo chỉ định của bác sĩ, cha mẹ không tự ý tiêm hormone ức chế dậy thì ở trẻ, tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc.