Hẹp bao quy đầu ở trẻ là hiện tượng phổ biến xảy ra ở 96% bé trai dưới 3 tuổi. Tỉ lệ này sẽ giảm dần khi bé lớn lên và trưởng thành. Bố mẹ không cần quá lo lắng và vội vàng cắt bao quy đầu khi bé còn quá nhỏ bởi sẽ càng gây ra những biến chứng nguy hiểm cho bé. Vậy nên hiểu về bệnh lý này của bé như thế nào?
Hẹp bao quy đầu ở trẻ là gì?
Bình thường, dương vật của bé trai tầm từ 3-4 tuổi sẽ to dần, lớp bề mặt da gọi là thượng bì bong ra, đồng thời có sự tích tụ lại một số chất bợn khi đi tiểu nằm bên dưới da quy đầu và quy đầu, giúp bao quy đầu tách dần khỏi quy đầu. Nhờ những lần dương vật cương lên khi mắc tiểu, hay lúc ngủ làm bao quy đầu dần dần tự tuột ra để lộ quy đầu ra ngoài.
Hẹp bao quy đầu (tên khoa học là Phimosis) là tình trạng bao da quy đầu bó chặt lại toàn bộ quy đầu làm cho qui đầu không lộn ra được ngay cả khi cương cứng.
Nguyên nhân gây ra hẹp bao quy đầu của trẻ
Hẹp bao quy đầu ở bé trai chia làm hai loại là hẹp sinh lý và hẹp bệnh lý:
Hẹp bao quy đầu sinh lý
Trong trường hợp hẹp sinh lý, bao quy đầu dính với quy đầu một cách tự nhiên để bảo vệ quy đầu và lỗ tiểu của bé khi mới sinh. 96% các bé trai đều bị hẹp bao quy đầu sinh lý. Tỉ lệ này sẽ giảm dần khi bé lớn lên. Chỉ có 10% các bé trai 3 tuổi bị hẹp bao quy đầu và đến 16 tuổi tỉ lệ giảm xuống không tới 1%.
Trong 3 năm đầu đời, dương vật của bé sẽ to dần lên, lớp da trên bề mặt sẽ bong ra, tích tụ thành chất bợn nằm dưới bao quy đầu, có tác dụng giúp bao quy đầu tách khỏi quy đầu và tuột hẳn ra. Vì vậy bố mẹ không cần quá lo lắng khi bé bị hẹp bao quy đầu sinh lý.
Hẹp bao quy đầu bệnh lý
Nếu bị hẹp bao quy đầu bệnh lý, bé sẽ có sẹo xơ ở chỏm bao, xuất hiện do viêm nhiễm hoặc do tác động quá mạnh để nong bao quy đầu.
Hẹp bao quy đầu bệnh lý có thể do lỗi của bố mẹ quá nóng vội cho bé đi nong hoặc cắt bao quy đầu quá sớm. Bên cạnh đó, nếu mẹ vệ sinh không đúng cách cho bé từ nhỏ, làm viêm hoặc nhiễm trùng da quy đầu hoặc đầu dương vật cũng có thể dẫn tới tình trạng hẹp bao quy đầu ở bé trai.
Biểu hiện bệnh hẹp bao quy đầu
– Trường hợp hẹp sinh lý, bao quy đầu không kéo tuột xuống được do tình trạng dính tự nhiên giữa bao quy đầu và quy đầu. Biểu hiện là bao quy đầu không lộn ra ngoài được, kể cả dùng tay không kéo phần da ra được. Nếu dùng tay kéo ra được thì gọi là thừa da qui đầu.
– Hẹp bao quy đầu làm cho nước tiểu đọng lại, dương vật phồng lên. Khi đi tiểu, nước tiểu thường không chảy ra hết mà phải đợi đến một lát sau nên bao quy đầu dễ bị viêm nhiễm, chất tiết đọng lại thành mảng trắng. Lúc trưởng thành, hẹp bao quy đầu thường gây đau khi dương vật cương cứng, một số trường hợp không cương cứng được.
– Không thể kéo bao quy đầu lên đến cổ dương vật.
– Trẻ rặn khi đi tiểu.
– Bao da căng tròn như bong bóng khi bé đi tiểu.
– Tia nước tiểu yếu.
– Nhiễm trùng tiểu tái phát.
Có nhất thiết phải cắt bao quy đầu cho trẻ?
Nếu trẻ bị hẹp bao quy đầu không có biến chứng thì dù lứa tuổi nào, chúng ta cũng nên bắt đầu bằng điều trị bảo tồn không phẫu thuật trước bao gồm nong bao quy đầu và bôi thuốc. Trường hợp điều trị bảo tồn thất bại mới cần sử dụng phương pháp điều trị bằng phẫu thuật, cụ thể:
– Trẻ dưới 3 tuổi, hẹp bao quy đầu sinh lý, không có biến chứng thì không cần thiết can thiệp, kể cả nong tại nhà khi trẻ tắm.
– Trường hợp trẻ hẹp bao quy đầu có biến chứng thì có thể điều trị nhiễm trùng trước, sau đó có thể bôi thuốc có chứa chất kháng viêm Betamethasone 0,05% một lần một ngày trong 4 tuần và nong bao quy đầu nhẹ nhàng tại nhà lúc tắm cho bé vì lúc này bao quy đầu mềm mại.
– Nếu trẻ đã 3-4 tuổi mà bao quy đầu vẫn chưa tuột xuống được thì có thể bôi thuốc Betamethasone 0,05% lên bao quy đầu, 1-2 lần mỗi ngày trong khoảng 4-6 tuần.
– Nếu trẻ 7-8 tuổi mà bao quy đầu vẫn chưa tuột được, bôi thuốc cũng không có kết quả, nhất là khi tiểu có hiện tượng bao quy đầu căng phồng hoặc trẻ hay bị viêm bao quy đầu, thì nên phẫu thuật cắt da quy đầu.
– Nếu trẻ chỉ bị dài và hẹp nhẹ bao quy đầu thì nên chờ đến độ tuổi bắt đầu dậy thì mới tiến hành cắt bao quy đầu đơn giản bằng gây tê tại chỗ.