Việt Nam là quốc gia có tỉ lệ dân số mang virus viêm gan B cao hàng đầu thế giới với con số 10-20%. Tiêm phòng viêm gan B cho trẻ ngay trong 24 giờ sau sinh nhằm tránh lây lan virus viêm gan B từ mẹ sang con là chiến lược quan trọng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và chỉ đạo của Bộ Y Tế hàng năm.
Virus viêm gan B nguy hiểm như thế nào?
Viêm gan B là một bệnh gây ra sưng tấy và hoại tử tế bào gan cấp tính hay mãn tính do virus viêm gan B. Theo ước tính có khoảng hơn 2 tỷ người (30% dân số) trên thế giới bị nhiễm virus viêm gan B và hơn 400 triệu người bị bệnh gan mãn tính. Hàng năm, ít nhất có khoảng 1 triệu người trên thế giới tử vong do xơ gan và ung thư gan. Tùy theo tỷ lệ viêm gan B mãn tính chia 3 vùng lưu hành:
- Vùng lưu hành thấp <2% (Bắc Mỹ, Tây Âu, Úc);
- Vùng lưu hành trung bình 2-8% (Đông Âu, Nga, Địa Trung Hải, Trung Đông, Nam Mỹ);
- Vùng lưu hành cao >8% (Trung Quốc, Đông Nam Á, châu Phi).
Việt Nam là nước thuộc vùng có tỷ lệ lưu hành bệnh viêm gan B cao (khoảng 10-20%), đặc biệt tỷ lệ mang virus viêm gan B ở phụ nữ có thai từ 10-16% và ở trẻ em là 2-6%.
Trên thực tế, khả năng lây nhiễm viêm gan B cao hơn HIV từ 50 – 100 lần. Phương thức lây nhiễm phổ biến nhất là lây nhiễm trong khi sinh: trẻ sơ sinh có nguy cơ lây nhiễm khi sinh từ 10% – 90% nếu mẹ bị nhiễm viêm gan B, đặc biệt trong trường hợp mẹ có xét nghiệm HBsAg+ và HBeAg+ thì 90% trẻ sinh ra sẽ bị nhiễm virus viêm gan B. 90% số trẻ bị nhiễm vi rút viêm gan B sau khi sinh hoặc trong những năm đầu đời có nguy cơ chuyển thành nhiễm vi rút viêm gan B mãn tính và hậu quả lâu dài là dẫn đến xơ gan và ung thư gan.
Xem thêm: mua bảo hiểm cho trẻ em
Tại sao cần tiêm phòng viêm gan B cho trẻ trong 24 giờ đầu sau sinh?
Theo thống kê Việt Nam có khoảng 10-12% phụ nữ mang thai bị nhiễm virus viêm gan B mãn tính. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khẳng định viêm gan B có thể kiểm soát một cách hiệu quả thông qua tiêm chủng vaccin viêm gan B. WHO và Bộ Y Tế Việt Nam cũng khuyến cáo gia đình cần cho trẻ sơ sinh tiêm liều vắc xin viêm gan B đầu tiên trong vòng 24 giờ đầu sau khi em bé ra đời.
Đó chính là thời điểm vàng để phòng ngừa bệnh tốt nhất cho con. Việc tiêm vaccin thực hiện càng sớm thì hiệu quả càng cao, có khả năng phòng được 85-90% các trường hợp lây truyền từ mẹ sang con. Hiệu quả phòng ngừa sẽ giảm dần theo từng ngày từ 50-57% và không đạt được nếu tiêm sau 7 ngày.
Những phản ứng thường gặp ở trẻ sau khi tiêm phòng viêm gan B
Vaccin viêm gan B là một trong những vaccin an toàn nhất. Hầu hết các em bé sau khi được tiêm phòng viêm gan B đều không gặp phản ứng gì. Vaccin viêm gan B chứa thành phần không lây nhiễm, tuy nhiên vẫn có những trường hợp gặp phải một số phản ứng nhẹ như:
- Đau nhức xung quanh mũi tiêm
- Sốt nhẹ hơn 37,7 độ.
- Dị ứng nghiêm trọng: Phản ứng này vô cùng hi hữu, chỉ xảy ra 1 lần trong số 1,1 triệu mũi tiêm
Kể từ năm 2002 sau khi vaccin viêm gan B được đưa vào sử dụng rộng rãi, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong công cuộc phòng chống bệnh viêm gan B, đưa tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B có HBsAg+ ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi xuống dưới 2% vào năm 2014 và tiếp tục hướng tới mục tiêu giảm xuống dưới 1% trong năm 2017. Để có thể đạt được mục tiêu đề ra, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên tiêm phòng viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ khi mới lọt lòng mẹ và bổ sung các liều tiếp theo theo quy định của Bộ Y tế để đảm bảo sức khỏe của trẻ và của cả cộng đồng.
Xem thêm: khám tổng quát cho bé