Bệnh tay chân miệng ở trẻ khá phổ biến. Chúng có khả năng lây nhiễm cao và có thể gây ra biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong nếu không được chữa trị kịp thời, đúng cách.
Bệnh tay chân miệng là gì?
Tay chân miệng là bệnh viêm nhiễm cấp tính, do virus đường ruột họ Picornaviridae gây nên. Trong đó, Coxsackie A và virus Enterovirus 71 (EV71) là hai giống virus gây bệnh chính, có thể gây ra những biến chứng nặng, thậm chí gây tử vong cho trẻ.

Bệnh tay chân miệng có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào nhưng thường gặp nhất là trẻ em dưới 5 tuổi. Bệnh có thể lây qua đường hô hấp, tiêu hóa và có khả năng phát triển thành dịch lớn rất nguy hiểm. Bệnh tay chân miệng có thể biến chứng thành viêm màng não, viêm cơ tim dẫn đến tử vong nên ba mẹ không được chủ quan mà phải cho bé thăm khám bác sĩ ngay khi thấy xuất hiện những triệu chứng của bệnh.
Biểu hiện của bệnh tay chân miệng ở trẻ
Bệnh tay chân miệng ở trẻ thường hình thành và phát triển theo một quá trình nhất định gồm 3 giai đoạn chính là giai đoạn ủ bệnh, giai đoạn khởi phát và giai đoạn toàn phát.
Giai đoạn ủ bệnh
Giai đoạn này xuất hiện từ 3 – 7 ngày sau khi bé tiếp xúc với nguồn lây bệnh từ trước.
Giai đoạn khởi phát
Sau khi ủ bệnh, đa số trẻ sẽ phải trải qua giai đoạn khởi bệnh khoảng 1 – 2 ngày với các triệu chứng như sốt nhẹ, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày.

Giai đoạn toàn phát
Đây là giai đoạn nặng nhất của bệnh kéo dài khoảng 3 – 10 ngày với những biểu hiện điển hình như:
Loét miệng: Ở niêm mạc miệng, lưỡi, lợi bé xuất hiện vết loét đỏ hay những phỏng nước đường kính khoảng 2 – 3mm.
Phát ban dạng phỏng nước: Những nốt phỏng nước xuất hiện ở nhiều vị trí trên cơ thể bé như lòng bàn tay, bàn chân, gối, mông… Chúng tồn tại khoảng dưới 7 ngày sau đó khô và để lại vết thâm.
Bên cạnh đó, bé cũng gặp phải các triệu như sốt, nôn. Nếu nặng có thể gây ra các biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp.
Giai đoạn lui bệnh
Sau giai đoạn toàn phát, giai đoạn lui bệnh sẽ xuất hiện khoảng 3 – 5 ngày sau đó. Trẻ sẽ hoàn toàn hồi phục hoặc với trường hợp nặng sẽ kéo theo nhiều biến chứng.
Dấu hiệu cảnh báo biến chứng bệnh tay chân miệng ở trẻ

Bệnh tay chân miệng ở trẻ thường trải qua 4 giai đoạn ủ bệnh, khởi phát, toàn phát và lui bệnh. Sau 4 giai đoạn này, bệnh sẽ biến mất hoàn toàn. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp phụ thuộc vào cơ địa cũng như chế độ chăm sóc trẻ khi bị bệnh không đúng cách khiến bé gặp phải những biến chứng nặng.
Ba mẹ cần nắm bắt được những dấu hiệu sớm cảnh báo biến chứng nặng của bệnh tay chân miệng ở trẻ để đưa ra phương án chữa trị kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Quấy khóc dai dẳng: Khi bị tay chân miệng, trẻ rất khó chịu và thường xuyên quấy khóc. Đó cũng là một dấu hiệu khá bình thường. Tuy nhiên, nếu trẻ quấy khóc nhiều, khóc cả đêm không ngủ hoặc trẻ ngủ khoảng 20 – 30 phút lại dậy khóc thì đây là dấu hiệu hết sức nguy hiểm. Đó không phải là sự khó chịu bình thường nữa mà trẻ đã bị nhiễm độc thần kinh.
Sốt cao: Bệnh tay chân miệng ở trẻ luôn kèm theo triệu chứng sốt. Tuy nhiên, nếu trẻ sốt trên 38,5 độ C, kéo dài hơn 48 giờ, không đáp ứng với thuốc hạ sốt paracetamol thì lúc này trẻ có thể đã bị nhiễm độc thần kinh.
Giật mình: Khi bị tay chân miệng, nếu trẻ thường xuyên bị giật mình thì đây là một trong những dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh. Ba mẹ nên quan sát triệu chứng này khi con ngủ, con chơi xem tần suất giật mình có tăng hay không.
Với những trẻ bị tay chân miệng, nếu bé gặp phải những tình trạng trên thì ba mẹ cần đưa bé đến ngay cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và xử trí kịp thời. Không nên chủ quan vì nếu để lâu bệnh sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đe dọa đến sức khỏe của bé.
Cần làm gì khi trẻ bị tay chân miệng?

Tay chân miệng là bệnh dễ lây lan, nhất là ở trẻ nhỏ. Vì vậy, khi trẻ xuất hiện những triệu chứng của bệnh, cần cho con cách ly để không lây cho những trẻ khác.
Ở cấp độ nhẹ, ba mẹ có thể cho trẻ điều trị tại nhà. Lúc này, ba mẹ cần đặc biệt chú ý đến việc xử lý chất thải của bé. Người nhà cũng nên đeo găng tay, khẩu trang khi xử lý chất thải và rửa tay sạch sẽ sau khi xử lý. Ba mẹ nên hạn chế người ra vào và tiếp xúc với bé, vừa tốt cho quá trình điều trị của con vừa giúp không để bệnh lây lan sang người khác.
Ở cấp độ nặng, trẻ cần được đưa vào viện để theo dõi và điều trị, nhằm tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, trẻ có thể gặp biến chứng hệ thần kinh, chủ yếu là viêm não. Ngoài ra còn gặp biến chứng hệ tim mạch như viêm cơ tiêm gây nên tình trạng suy tim hay suy các cơ quan khác, phù phổi… rất nguy hiểm.
Biện pháp phòng bệnh tay chân miệng ở trẻ
Bệnh tay chân miệng rất thường gặp ở trẻ và dễ phát thành dịch bệnh do tính chất lây lan khá phổ biến. Hơn nữa, cho đến nay lại chưa có vac-xin phòng bệnh nên việc phòng ngừa rất quan trọng để tránh việc bé bị nhiễm bệnh.
- Dọn dẹp thường xuyên, đảm bảo môi trường xung quanh bé như nhà cửa, đồ chơi… luôn sạch sẽ, gọn gàng và thông thoáng.
- Không cho con tiếp xúc với những trẻ có biểu hiện của bệnh tay chân miệng.
- Tắm rửa sạch sẽ cho con hằng ngày, dạy con phải biết rửa tay thật sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Với những kiến thức trên đây, hi vọng ba mẹ có thêm hiểu biết về bệnh tay chân miệng ở trẻ để giúp phòng ngừa cũng như đưa ra phương pháp điều trị bệnh kịp thời, hiệu quả. Ba mẹ hãy bảo vệ con yêu thật tốt để con luôn khỏe mạnh lớn lên mỗi ngày nhé.