Làn da trẻ em khá mỏng manh và non yếu nên dễ bị vi khuẩn tấn công gây bệnh. Viêm da ở trẻ là tình trạng phổ biến thường gặp ở nhiều đứa trẻ.
Viêm da ở trẻ là bệnh gì?
Viêm da là cụm từ dùng để chỉ chung những phản ứng của da đối với các tác nhân bên ngoài môi trường thường gặp ở trẻ. Các bệnh viêm da ở trẻ chủ yếu là bệnh liên quan đến cơ địa dị ứng.

Viêm da không phải là bệnh quá nguy hiểm đến sức khỏe của trẻ. Nếu biết cách điều trị và chăm sóc tốt thì bệnh có thể tự khỏi. Tuy nhiên, ba mẹ cũng không nên chủ quan vì nếu không được điều trị, bệnh sẽ trầm trọng hơn và có thể để lại những biến chứng nguy hiểm cho bé.
Nguyên nhân gây viêm da ở trẻ là gì?
Có rất nhiều nguyên nhân gây viêm da ở trẻ, trong đó nguyên nhân khách quan do sự non yếu trong cấu tạo da của trẻ khiến cho cơ chế bảo vệ da của bé kém hơn 5 lần so với người lớn. Do đó, khi bị vi khuẩn hay các tác nhân môi trường tấn công, da bé sẽ dễ bị viêm hơn.
Ngày nay, việc dùng tã lót cho trẻ là khá phổ biến bởi nó mang đến nhiều tiện lợi. Thế nhưng, khi quấn tã quá lâu hoặc bé ị và tè nhưng bố mẹ không hay biết để thay tã, các enzym độc hại từ phân và nước tiểu sẽ xâm nhập vào da trẻ gây nên tình trạng viêm da mà dân gian thường gọi là hăm tã. Những vùng da xung quanh chỗ quấn tã như mông, bẹn, đùi, bộ phận sinh dục là nơi dễ bị viêm da nhất.

Ngoài ra, chất liệu tã lót cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng này. Tã lót thô ráp, không đảm bảo vệ sinh khiến da bé bị tổn thương khi cử động nhiều, từ đó dễ dẫn đến viêm da ở trẻ.
Theo thống kê, có đến 50% trẻ sơ sinh bị mắc chứng viêm da trong những năm đầu đời. Trong đó, giai đoạn 6 – 9 tháng tuổi, tỉ lệ trẻ mắc bệnh cao hơn cả. Viêm da ở trẻ không quá nguy hiểm nhưng nếu không được chữa trị, sự tổn thương ở làn da sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của bé như ảnh hưởng đến bữa ăn, giấc ngủ… Vì vậy, ba mẹ không được chủ quan mà hãy thật chú trọng đến vấn đề chăm sóc da cho trẻ.
Các dạng viêm da ở trẻ thường gặp
Tùy thuộc vào cơ địa của trẻ cũng như các tác nhân gây bệnh, viêm da ở trẻ được chia thành nhiều dạng với những biểu hiện và tính chất khác nhau. Dưới đây là một số dạng viêm da thường gặp ở trẻ sơ sinh:
Viêm da mủ
Viêm da mủ là dạng viêm da rất phổ biến ở trẻ sơ sinh và cả trẻ nhỏ. Bệnh này phát triển mạnh nhất vào mùa hè bởi khoảng thời gian này, thời tiết nóng bức, bé thường tiết nhiều mồ hôi nên sẽ tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn, virus sinh sống và phát triển gây bệnh.
Khi bị bệnh, trên bề mặt da của bé sẽ xuất hiện các mụn mủ theo từng đám, bệnh dễ tái phát gây tổn thương cho làn da của trẻ.

Viêm da dị ứng
Theo thống kê, có tới 10 – 20% trẻ em trên thế giới mắc bệnh viêm da dị ứng. Đây là một bệnh ngoài da mãn tính và không có tính lây lan.
Trẻ bị viêm da dị ứng đặc trưng bởi da khô dễ bị kích ứng. Khi phát bệnh, trẻ sẽ cảm thấy trên da bị ngứa nhẹ, viêm đỏ rồi ngứa dữ dội.
Viêm da dị ứng là bệnh mãn tính nên không có phương pháp chữa trị dứt điểm. Ba mẹ hãy chăm sóc da trẻ thường xuyên và kiên trì để giúp làm giảm các triệu chứng và giúp bệnh lâu bùng phát hơn.
Viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa là bệnh mãn tính, xuất hiện ở những đứa trẻ có tiền sử người thân mắc các loại bệnh có yếu tố dị ứng như viêm xoang dị ứng, hen suyễn, mề đay…
Viêm da cơ địa thường tiến triển thành từng đợt và không có phương pháp chữa trị dứt điểm.

Viêm da dầu
Viêm da dầu hay còn gọi là viêm da tiết bã nhờn là một bệnh da mãn tính. Bệnh gây ra do tác dụng từ nội tiết tố kích thích hoạt động của tuyến nhờn androgen từ mẹ truyền sang con qua nhau thai. Chính vì vậy, trẻ rất dễ mắc bệnh này.
Viêm da thể tạng ở trẻ sơ sinh
Viêm da thể tạng hay chàm thể tạng là một bệnh da mãn tính. Bệnh gây ngứa và bùng phát theo đợt tùy thuộc vào cơ địa của từng bé. Viêm da thể tạng là một bệnh lý phức tạp bởi nó gây ra do nhiều tác nhân.
Khi bị viêm da thể tạng, bé có thể gặp phải 2 bất thường sau:
- Khiếm khuyết ở hàng rào da: Tình trạng này gây ra do thiếu filaggrin, khiến da trở nên khô cứng và nhạy cảm với mọi loại kích ứng.
- Khuynh hướng nhạy cảm với dị nguyên IgE gây ra các phản ứng miễn dịch quá mức.
Cần làm gì để ngừa viêm da ở trẻ
Viêm da ở trẻ có nhiều dạng. Những dạng viêm da mãn tính tuy không có phương pháp chữa trị dứt điểm nhưng ba mẹ cũng cần quan tâm đến vấn đề vệ sinh cũng như ăn uống để con cảm thấy thoải mái và dễ chịu hơn, không còn phải đối mặt thường xuyên với tình trạng ngứa ngáy nữa.
- Mẹ nên tắm rửa, làm sạch da cho bé mỗi ngày bằng sữa tắm diệt khuẩn có độ pH phù hợp để tránh gây kích ứng.
- Nếu bé mặc bỉm, tã… , mẹ nên thay thường xuyên, 2 – 3 tiếng/lần. Đặc biệt, không được mặc bỉm có dính phân hoặc nước tiểu quá lâu. Như vậy, vi khuẩn độc hại sẽ càng có cơ hội tấn công bé. Ba mẹ nên để ý thường xuyên vấn đề này và phải lau khô vùng bẹn, mông sau khi trẻ đi tiểu tiện, đại tiện.
- Mẹ cũng nên chú ý trong việc chọn bỉm và quần áo cho bé. Nên chọn loại bỉm có chất liệu mềm, thấm hút tốt, kích thước phù hợp với cơ thể bé. Mẹ cũng nên chọn quần áo mềm mịn, thoáng mát, nên chọn chất liệu cotton vì khả năng thấm hút mồ hôi cao.
- Với những bé có làn da nhạy cảm, mẹ nên bôi thuốc mỡ bảo vệ da trước khi mặc bỉm, tã. Nhất là những vùng da phải tiếp xúc với bỉm như bẹn, mông… Bên cạnh đó, mẹ cũng phải lựa chọn loại thuốc bôi chất lượng, phù hợp với cơ địa của từng bé. Nên chọn loại lành tính, không có chất tạo màu, tạo mùi cũng như chất bảo quản.

Lưu ý khi chữa viêm da ở trẻ
Viêm da có nhiều dạng với những tính chất khác nhau. Nếu bé gặp phải vấn đề bất thường về da, ba mẹ nên đưa con đến khám ở các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán bệnh chính xác. Từ đó, đưa ra được phương án điều trị thích hợp và hiệu quả nhất.
Khi chữa trị bệnh cho bé, ba mẹ cần lưu ý.
- Đưa trẻ đi khám khi những tổn thương mới xuất hiện, không được để tình trạng tổn thương nặng nề mới bắt đầu cho con đi khám. Lúc đó, bệnh nặng, việc điều trị khó khăn hơn. Hơn nữa, bệnh còn có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe và thẩm mỹ đối với trẻ.
- Nhiều ba mẹ thường tắm, rửa bằng lá cho trẻ theo các phương pháp dân gian. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ nên áp dụng khi bệnh còn nhẹ và chưa bội nhiễm. Ba mẹ cũng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ có chuyên môn để đảm bảo an toàn cho bé.
- Ba mẹ tuyệt đối không được tự ý cho trẻ uống thuốc hay bôi thuốc mà không được sự đồng ý của bác sĩ. Điều này không những không giúp quá trình điều trị bệnh thuận lợi mà còn có thể làm cho tình trạng bệnh ngày càng trở nên nghiêm trọng vì bé có thể bị dị ứng với loại thuốc đó.
- Ba mẹ cho bé sử dụng thuốc theo đơn của bác sĩ, không được tự ý tăng, giảm liều lượng. Nếu có bất kỳ bất thường nào, phải cho con đến khám ngay.
Như vậy, bài viết trên đây đã cung cấp cho mẹ những kiến thức cần thiết về bệnh viêm da ở trẻ. Ba mẹ nên chú ý đến vấn đề sức khỏe của con, không nên chủ quan với những bất thường nhỏ trên cơ thể bé.