Đối với nhiều đứa trẻ, mùa hè luôn là thường gắn liền với bơi lội, tắm biển. Thế nhưng, đối với ba mẹ, đó là mùa của những lo lắng. Và đuối nước khô – mối nguy hiểm rình rập trẻ khi đi bơi mùa hè, là một trong những nỗi lo đó.
Bên cạnh nguy cơ đuối nước khiến nhiều cha mẹ lo lắng, thời gian gần đây đuối nước khô (hay đuối nước trên cạn – dry drowning) cũng trở thành mối bận tâm lớn của nhiều phụ huynh mỗi khi cho con đi bơi.
Mặc dù rất hiếm khi xảy ra nhưng đuối nước khô là dấu hiệu nguy hiểm luôn rình rập trẻ khi đi bơi ngày hè, thậm chí dẫn đến tử vong.

Đuối nước khô là gì?
Đuối nước khô là hiện tượng xảy ra khi thanh quản bị co thắt do chất lỏng kích thích, dẫn đến suy hô hấp. Hiện tượng này thường xuất hiện trong vòng từ 1 – 72 giờ sau khi bơi, suýt chết đuối dưới nước, hoặc tắm quá lâu dưới nước, bị sặc nước…
Với chứng suy hô hấp trên cạn này, người gặp nạn lên bờ tim chưa bị chậm nhịp, vẫn thở được với lượng nước ít đọng trong phổi (do chưa loại bỏ hết nước ra khỏi cơ thể), có thể đi bộ và nói chuyện được, nhưng yếu. Lượng nước đọng dần có thể lấp khoảng trống chứa ôxy của phổi (chưa kể mối họa từ các hóa chất hồ bơi, bồn tắm nước nóng…), khiến giảm khả năng ôxy hóa máu.
Nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời, hiện tượng suy hô hấp trên cạn này có thể dẫn đến nguy cơ tử vong.
Dấu hiệu cảnh báo
Sau khi trẻ đi bơi, bị sặc nước hoặc suýt chết đuối, ba mẹ cần chú ý theo dõi các dấu hiệu cảnh báo của đuối nước khô trong vòng một giờ sau khi bé rời khỏi mặt nước.
Đuối nước khô khiến dây thanh âm đóng lại trên khí quản. Hiện tượng này được gọi là co thắt thanh quản. Co thắt thanh quản có thể diễn biến từ nhẹ (việc thở trở nên khó khăn) cho đến nghiêm trọng (ngăn không cho oxy vào hoặc ra khỏi phổi).
Một số dấu hiệu ba mẹ cần theo dõi:
– Ho dữ dội, đau ngực
– Mệt mỏi, chóng mặt
– Buồn ngủ, hoặc rơi vào trạng thái mơ màng, chậm chạp
– Gặp khó khăn khi thở hoặc nói chuyện
– Có bọt xuất hiện ở khu vực mũi hoặc miệng
– Đột ngột thay đổi tâm trạng (cáu gắt, hung hăng không rõ nguyên nhân)

Thời gian là yếu tố rất quan trọng trong điều trị đuối nước khô. Do đó, ngay khi phát hiện những dấu hiệu trên, ba mẹ cần đưa trẻ đi cấp cứu tại các cơ sở y tế sớm nhất có thể.
Cách phòng ngừa đuối nước khô cho trẻ nhỏ
Đuối nước khô là một mối nguy hiểm luôn rình rập trẻ mỗi khi đi bơi. Nhưng cha mẹ có thể giảm thiểu nguy cơ này bằng cách cố gắng ngăn ngừa tai nạn nước cho trẻ.
Trong trường hợp trẻ từ 2 tuổi trở xuống, đuối nước có nguy cơ rất nghiêm trọng. Ngay cả khi trẻ bị chìm trong nước trong 1 hoặc 2 phút, hãy đưa trẻ đến phòng cấp cứu nhanh chóng.
Một số quy tắc an toàn khác ba mẹ cần nhớ để phòng ngừa tai nạn nước cho con:
– Luôn theo dõi chặt chẽ khi con bạn ở gần nước, cho dù đó là chậu tắm ít nước.
– Trẻ em dưới 4 tuổi không bao giờ được bơi hoặc tắm mà không có người lớn đi kèm.

– Trẻ ở mọi lứa tuổi nên mặc áo phao trong khi đi tàu thuyền.
– Cân nhắc tham gia lớp học sơ cứu đuối nước cho trẻ nếu cha mẹ thường xuyên cho con chơi tại hồ bơi hoặc bãi biển.
– Cha mẹ nên học bơi và cho con học cùng.
– Nếu gia đình có bể bơi tại nhà, hãy chắc chắn rằng nó hoàn toàn có rào chắn.
– Không bơi hoặc chơi gần biển mà không có nhân viên cứu hộ.