Sinh con ra, ai cũng muốn con lớn lên khỏe mạnh. Chính vì vậy, việc trẻ lười ăn là nỗi lo của hầu hết các ông bố bà mẹ.
Lười ăn là tình trạng thường gặp ở trẻ nhỏ. Đây cũng là mối quan tâm hàng đầu của các mẹ bỉm sữa bởi vì nếu trẻ thường xuyên lười ăn có thể dẫn đến những hậu quả nặng nề như trẻ còi xương, suy sinh dưỡng, chậm phát triển và kém thông minh. Vì vậy, tìm hiểu nguyên nhân khiến trẻ lười ăn và tìm ra biện pháp giải quyết là việc làm cực kỳ quan trong trong việc chăm sóc trẻ nhỏ.
Nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn
Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn. Trong đó có cả nguyên nhân khách quan lẫn nguyên nhân chủ quan.

Những nguyên nhân khách quan khiến trẻ lười ăn
- Hệ tiêu hóa chưa ổn định
Với trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh, hệ tiêu hóa cũng như các hệ cơ quan khác chưa hoàn chỉnh và ổn định. Bé sẽ thường xuyên gặp phải tình trạng rối loạn co bóp dạ dày và loạn khuẩn đường ruột. Đây là nguyên nhân khiến bé buồn nôn, đau bụng, táo bón, tiêu chảy… Từ đó gây ra tình trạng biếng ăn ở trẻ.
- Bé bị nhiễm khuẩn
Khi bị nhiễm virus hoặc vi khuẩn tấn công, gây viêm nhiễm một số cơ quan như đường tiêu hóa, tai, mũi, họng… sẽ khiến trẻ mệt mỏi, ho và sốt. Tình trạng mệt mỏi là nguyên nhân khiến bé không muốn ăn và ăn rất ít.

Những nguyên nhân chủ quan khiến trẻ lười ăn
- Chế độ dinh dưỡng không hợp lý
Việc bố mẹ cho con ăn không đúng cách, thực đơn quá nhàm chán, từ ngày này qua ngày khác, không có thay đổi nhiều khiến trẻ cảm thấy chán ngán và không muốn ăn. Ngoài ra, chế độ ăn nhàm chán cũng không cung cấp đa dạng dưỡng chất cho bé, khiến trẻ bị suy dinh dưỡng, còi cọc.
- Thói quen ăn không tốt
Trẻ lười ăn do không tập trung ăn uống: Trẻ nhỏ rất thích ăn vặt, nhất là đồ ăn ngọt như kẹo, socola… Khi ăn vặt nhiều, bụng trẻ sẽ không cảm thấy đói nên sẽ không còn hứng thú với bữa ăn chính. Bên cạnh đó, vì để dỗ con ăn ba mẹ hay cho trẻ vừa ăn vừa chơi, xem ti vi… Đây là thói quen không tốt gây phân tán sự tập trung ăn uống của trẻ và đồng thời cũng ảnh hưởng tới cảm giác ngon miệng. Lâu dần, sẽ hình thành tình trạng lười ăn theo thời gian.
Giờ ăn “tùy hứng” cũng là nguyên nhân khiến trẻ lười ăn. Bé chỉ ăn khi thích, không phân biệt được giờ giấc cũng như cảm giác no, đói… Điều này cũng khiến bé cảm thấy ăn không ngon và không ăn nhiều vào bữa chính.

- Biếng ăn do tâm lý
Nhiều bà mẹ khi cho con ăn thường thiếu kiên nhẫn và dễ nổi nóng hoặc tức giận, quát mắng, dọa nạt con. Điều này khiến không khí bữa ăn trở nên căng thẳng. Dần dần bé sẽ cảm thấy sợ ăn. Ngoài ra, cũng có nhiều gia đình thường cho trẻ ăn trước rồi mới đến lượt người lớn để bữa ăn không bị gián đoạn. Tuy nhiên, mẹ không biết rằng, khi ăn cùng các thành viên trong gia đình, bé sẽ cảm thấy vui và ăn nhiều hơn so với việc phải ăn một mình.
Mẹ cần làm gì khi trẻ lười ăn?
Việc trẻ biếng ăn là nỗi lo lắng của tất cả các ông bố bà mẹ. Vì vậy, phải làm sao để trẻ hết biếng ăn, làm sao để con ăn ngon miệng là vấn đề mà các mẹ quan tâm hàng đầu.
Khi trẻ lười ăn, việc của bạn không phải là ép con ăn dồn dập hay quát mắng con mà phải tìm hiểu nguyên nhân tại sao con không muốn ăn để từ đó đưa ra giải pháp giúp con yêu thích thú với việc ăn uống hơn.
Mẹ có thể áp dụng một vài phương pháp dưới đây để bữa ăn của con trở nên nhẹ nhàng và hiệu quả hơn:

Cho con ăn khi có cảm giác đói
Khi thấy đói, trẻ sẽ tập trung vào ăn uống hơn. Vì vậy, mẹ không nên cho con ăn vặt hay ăn nhiều bữa nhỏ lắt nhắt để đến bữa chính, bé thật sự thấy đói. Như vậy, khi ăn bé sẽ cảm thấy ngon miệng và muốn ăn nhiều hơn.
Theo các chuyên gia, nếu cho bé ăn bữa phụ thì mẹ nên sắp xếp để bữa phụ và bữa chính cách nhau khoảng 2 – 3 giờ và không nên ăn nhiều vào bữa phụ.
Đa dạng bữa ăn
Mẹ nên thay đổi thường xuyên thực phẩm trong mỗi bữa ăn của trẻ. Việc này không chỉ giúp bé thấy thích thú, quên cảm giác nhàm chán mà còn đảm bảo cung cấp đầy đủ dinh dưỡng thiết yếu cho nhu cầu cơ thể của trẻ.
Đa số trẻ thường thích thú với những món ăn có hình ảnh sinh động, màu sắc tươi sáng. Vì vậy, mẹ nên đầu tư một chút thời gian và công sức để trang trí các món ăn bắt mắt hơn. Một miếng cà rốt được tỉa hoa, hay một bát cơm có rắc thêm vừng… cũng khiến bé thích thú và ăn ngon miệng hơn.

Mẹ có thể rủ con cùng tham gia trang trí cho món ăn. Như vậy con sẽ cảm thấy vui khi được ăn thành quả mà mình đã cùng mẹ chế biến.
Động viên và khen ngợi trẻ
Hầu hết mọi người, nhất là trẻ em luôn thích được người lớn khen ngợi. Vì vậy, khi con tự giác ăn uống, mẹ nên khen ngợi ngay để con cảm thấy vui và thích thú. Điều này giúp con muốn ăn thêm và ăn ngoan hơn để luôn được mẹ khen.
Đề cao tính tự lập của trẻ
Có nhiều bà mẹ, khi thấy con không muốn ăn liền cho con xem tivi, bế con đi khắp nơi để bé ăn thêm. Điều này tạo thói quen không tốt cho con. Thay vào đó, khi con không muốn ăn, mẹ có thể dừng bữa cho trẻ. Đến khi trẻ muốn ăn, mẹ sẽ ở bên hướng dẫn, khích lệ và cỗ vũ cho con. Mẹ cũng nên tập cho bé tập bốc ăn từ nhỏ để giúp đôi tay linh hoạt. Khi hơn 1 tuổi, bé đã có thể tự cầm thìa xúc ăn rồi. Tính tự lập sẽ giúp cho việc ăn uống của con trở nên dễ dàng hơn.
Giới hạn thời gian mỗi bữa ăn

Mẹ nên giới hạn thời gian cho mỗi bữa ăn của trẻ, tối đa 30 phút. Nếu bé không ăn hết thức ăn, mẹ hãy dừng lại, không ép con ăn thêm nữa. Thay vào đó, mẹ có thể bổ sung thức ăn vào bữa ăn kế tiếp.
Mẹ tuyệt đối không được cho con xem điện thoại, bế đi rong để dỗ con ăn hết. Vì việc này đã vô tình tạo thói quen không tốt cho con và cũng khiến trẻ lười ăn hơn vì nếu kéo dài bữa ăn, khoảng cách giữa các bữa rút lại, khiến trẻ cảm thấy lười ăn hơn vì chưa thật sự đói.
Cần có nguyên tắc khi ăn uống
Ngay từ khi bé bắt đầu ăn dặm, mẹ nên có một nguyên tắc rõ ràng và cố gắng thực hiện nó. Để tránh việc trẻ mất tập trung ăn uống, mẹ cần áp dụng quy tắc “3 không”, đó là không tivi (điện thoại) – không đồ chơi – không đi rong. Như vậy trẻ sẽ hình thành thói quen ăn uống tập trung để bữa ăn diễn ra dễ dàng và nhanh chóng hơn.
Trên đây là những thông tin hữu ích giúp mẹ trị được chứng lười ăn ở trẻ. Mẹ nhớ áp dụng để không còn phải lo lắng về tình trạng trẻ lười ăn mẹ nhé.