Rụng tóc là hiện tượng thường gặp ở trẻ sơ sinh, có thể báo hiện bé đang bị thiếu chất hay mắc một bệnh lý nào đó. Dưới đây là những thông tin cụ thể về hiện tượng trẻ sơ sinh bị rụng tóc mà cha mẹ cần biết.
Vì sao trẻ sơ sinh bị rụng tóc?
Rụng tóc ở trẻ sơ sinh là hiện tượng hoàn toàn bình thường, không có gì phải lo lắng. Hầu hết trẻ đều bị rụng tóc trong sáu tháng đầu. Nguyên nhân được cho là do lúc mới sinh, tóc của bé đang ở giai đoạn mọc. Một thời gian sau với sự thay đổi của các hoocmon nội tiết thì tóc của bé chuyển sang giai đoạn rụng.
Một số em bé khi sinh ra đã có rất nhiều tóc trong khi một số khác thì lại gần như trọc lốc. Đây cũng là điều hoàn toàn bình thường.
Phân biệt hiện tượng rụng tóc ở trẻ sơ sinh
Rụng tóc sinh lý
Nếu nhận thấy tóc bé rụng theo từng mảng làm hói cả một khoảng hay có hình vành khăn ở sau đầu thì bạn hãy quan sát tư thế hoạt động hay ngủ của bé. Nếu bé luôn ngủ ở một vị trí hoặc thường ngồi tựa phần đầu nhất định vào vai ghế phía sau thì bé có thể bị rụng tóc ở khu vực hay cọ xát nhiều nhất.
Trẻ sơ sinh bị rụng tóc do thiếu Vitamin D
Khi trẻ sơ sinh bị rụng tóc ở quanh đằng sau đầu theo hình vành khăn, đồng thời kèm theo các dấu hiệu như bé ngủ không sâu giấc, giật mình, quấy khóc nhiều, ban đêm đổ nhiều mồ hôi thì đó là dấu hiệu của bệnh còi xương, mà nguyên nhân là do thiếu vitamin D dẫn đến rối loạn chuyển hóa canxi. Tình trạng này không chỉ xảy ra ở những trẻ suy dinh dưỡng mà với trẻ mập mạp cũng có thể mắc phải.
Chăm sóc tóc cho trẻ sơ sinh đúng cách
– Vì trẻ sơ sinh thường được chăm sóc trong điều kiện bảo vệ tốt nhất nên tóc của trẻ ít bị bụi bẩn. Do vậy, bạn chỉ nên cho trẻ tắm đầu từ 2 đến 3 lần mỗi tuần.
– Khi tắm, bố mẹ cũng nên dùng những loại xà phòng dành riêng cho trẻ tắm để tránh dị ứng da và làm cay mắt trẻ.
– Nên dùng nước ấm và một chiếc khăn xô mềm để gội đầu cho trẻ.
– Lau khô đầu bé ngay sau khi gội và làm sạch các vùng như vành tai, gáy.
– Dùng dầu massage bôi một lớp mỏng để giúp trẻ lưu thông máu.
– Với những trẻ có “cứt trâu”, bạn nên massage da đầu trước lúc gội bằng những loại tinh dầu hoặc dùng dầu gội chuyên biệt để làm bong tróc dần các mảng bám này. Tuyệt đối, không dùng tay cạy lớp mảng bám, tránh làm tổn thương da đầu trẻ. Bạn cũng có thể tăng cường gội đầu cho những trẻ này từ 3-4 lần trong tuần.