Mỗi năm, có hơn 300 ngàn trẻ em bị tai nạn thương tích. Có rất nhiều tai nạn có thể không dẫn đến tử vong nếu như người lớn biết cách sơ cấp cứu cho trẻ kịp thời. Thậm chí, sơ cấp cứu sai cách lại vô tình đẩy tính mạng của trẻ đến mức không thể cứu vãn. Vì vậy, mỗi người nên học cách sơ cấp cứu cho trẻ trong những tình huống nguy hiểm.
Đuối nước là tai nạn hàng đầu ở trẻ em
Chiều 21/3, cả một thôn nhỏ ở tỉnh Hòa Bình trở nên tiêu điều bởi đám tang của 8 em nhỏ bị tai nạn đuối nước.
Sáng 20/5, 4 em nhỏ bị tai nạn đuối nước sau buổi sơ kết tại tỉnh Khánh Hòa.
2/6, 4 trẻ em tử vong do đuối nước tại Quảng Trị, Quảng Bình.
…
Theo báo cáo của Bộ LĐTB-XH (năm 2018), khoảng 3500 trẻ em bị chết đuối mỗi năm(*), chiếm 22,6% trường hợp tử vong do tai nạn thương tích. Tỷ lệ này chỉ đứng sau tai nạn do giao thông (chiếm 26,7%). Trong các nhóm tuổi, trẻ từ 0-4 tuổi chiếm tỷ lệ tử vong do đuối nước cao nhất với khoảng 36%.

Hóc dị vật đường thở luôn có thể xảy ra
7/3, bệnh viện Thủ Đức (TP.HCM) tiếp nhận bé trai 8 tuổi ho sặc sụa, tím tái, bứt rứt do nuốt phải đồ chơi lego.
Ngày 16/6 vừa qua, bệnh viện phổi Nghệ An tiếp nhận bệnh nhi chưa đầy 2 tuổi bị ngưng tim, ngưng thở do hóc thạch rau câu.
Báo cáo tại các khoa Tai-Mũi-Họng TƯ, khoa Hô hấp (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết mỗi năm tiếp nhận nhiều trẻ nhập viện do hóc dị vật, trung bình 4-5 ca/tuần, đôi khi lên tới cả chục ca.
Hóc dị vật đường thở là tình trạng vô cùng phổ biến ở trẻ em nhất là trẻ từ 1-3 tuổi, chiếm 61% các trường hợp dị vật đường thở gây ra những biến chứng nặng nề, phức tạp. Khi trẻ bị tắc đường thở biểu hiện tím tái, ho sặc sụa, trào nước mắt mũi, không khóc thành tiếng hay phát âm được. Chậm hơn, môi và lưỡi trẻ tím tái, mạch máu nổi lên. Chỉ cần hóc sau 3 phút, có thể bị di chứng não suốt đời, trong 5 phút có thể tử vong.
Dị vật dễ hóc có ở khắp nơi xung quanh trẻ như xương, hạt quả (hồng xiêm), hòn bi, cúc áo, đồng xu, thức ăn, đồ chơi v.v…

Các tai nạn thương tích luôn thường trực
Bỏng nhiệt hơi, điện giật, ngã, tai nạn giao thông, ngộ độc…là những tai nạn thương tích luôn thường trực xung quanh trẻ.
- Bỏng do nước sôi (canh, nước uống, mỡ, hơi nồi áp suất); bỏng bếp, bàn là, bình nóng lạnh; cơm canh nóng; bật lửa, diêm, đốt rơm, giấy, nướng khoai; ống bô xe máy…
- Điện giật do hở ổ điện, dây điện, chập điện đứt dây, thiết bị gia dụng bị hở điện, nhà gần đường điện cao thế.
- Ngã do leo trèo, vấp ngã, trượt trên sàn ướt, đùa nghịch xô đẩy, ngã từ tầng cao xuống, ngã trên giường xuống…
- Ngộ độc do thức ăn ôi thiu, quá hạn, ăn nấm độc, dùng sai thuốc, dị ứng, ăn phải đồ ăn nhiễm độc…

Trách nhiệm thuộc về người lớn
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do sự lơ là của các phụ huynh. Bên cạnh đó là thiếu giáo dục kỹ năng xử lý tình huống của nhà trường. Tuy nhiên, một nguyên nhân không thể kể đến là do những sai lầm trong sơ cấp cứu của người lớn.
Khi trẻ đuối nước, việc bế sốc trẻ lên, dốc ngược đầu trẻ quay hoặc chạy là hành động nguy hiểm. Hành động này khiến dịch ở đường hô hấp trào ngược, trẻ hít vào gây sặc, bít đường thở càng làm tình trạng trở nên nặng thêm.

Khi trẻ hóc dị vật, người lớn không kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế, không biết cách lấy dị vật ra khỏi đường thở khiến trẻ tử vong hoặc chịu những di chứng nặng nề.
Trẻ bị bỏng, nhiều người lấy nước đá xối vào, thoa bôi sản phẩm chưa qua kiểm nghiệm khiến vết bỏng trở nên nghiêm trọng. Đôi khi dẫn đến viêm nhiễm diện rộng, nhiễm trùng…
Trẻ bị điện giật, không biết cách ngăn cách nguồn điện dẫn đến hậu quả liên đới.
Trẻ bị ngã, người lớn không biết cố định trạng thái, di chuyển không đúng cách làm tình trạng càng khó xử lý.
v.v…
Học sơ cấp cứu để cứu trẻ kịp thời
Sơ cấp cứu tai nạn là một trong những kỹ năng sống đã và đang được đưa vào nhiều môi trường giáo dục. Tuy nhiên, đối với người lớn sống ở những thế hệ trước thì vẫn còn nhiều xa lạ. Vì vậy, người lớn phải tự mình tham gia các khóa học để trau dồi kiến thức và kỹ năng.

Có rất nhiều lớp học sơ cấp cứu cho trẻ được tổ chức miễn phí hàng tuần tại các bệnh viện, trung tâm y tế. Cha mẹ đừng ngần ngại mà hãy bớt chút thời gian để tham dự. Bởi vì rất có thể một ngày nào, đó sẽ là chìa khóa cứu lấy tính mạng của con trẻ.
Đăng ký lớp học sơ cấp cứu hoàn toàn miễn phí tại đây!