Trẻ nhỏ rất tò mò nên hay bỏ những vật lạ vào miệng. Tuy nhiên, nếu bé thường xuyên ăn những thứ không ăn được như cát, đất, bột giặt… thì ba mẹ cần hết sức lưu ý. Bởi rất có thể bé đã mắc hội chứng ăn bậy Pica – chứng bệnh khá nguy hiểm với sức khỏe của trẻ.
Hội chứng ăn bậy Pica là gì?
Thông thường có khoảng 25-30% trẻ có chứng rối loạn ăn uống có tên gọi là Pica. Đặc trưng của nhóm này là có xu hướng thèm ăn và ăn những thứ không phải là thức ăn (có thể kéo dài trong 1 tháng hoặc lâu hơn).
Pica thường xuất hiện ở những trẻ khuyết tật về phát triển bao gồm cả trẻ bị tự kỉ và trẻ chậm phát triển não bộ, hoặc trong thời gian trẻ từ 2-3 tuổi.
Những trẻ mắc chứng Pica thường thèm ăn và ăn những thứ không phải thức ăn như: bùn nhão, đất sét, mùn cưa, vỏ bào, vữa tường, phấn, bột ngô, bột giặt quần áo, bánh sô đa, cà phê chưa pha, tàn thuốc lá, đá lạnh, đầu diêm đã đốt, đầu thuốc lá, phân động vật, keo hồ, tóc, cúc áo quần, giấy, cát, kem đánh răng, xà phòng…

Mặc dù khi ăn một số loại trên đây không có hại nhưng Pica vẫn được xem như là một chứng rối loạn ăn uống nguy hiểm có thể dẫn đến các vấn đề về hệ tiêu hóa và chậm phát triển. Nếu kéo dài lâu, hội chứng này có thể gây hại cho sự phát triển của trẻ.
Nguyên nhân của hội chứng ăn bậy Pica
Hiện các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân cụ thể của chứng bệnh ăn bậy kỳ lạ này. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, có một số tình huống có thể gia tăng nguy cơ rối loạn ăn bậy ở trẻ em như:
- Thiếu chất dinh dưỡng như sắt, kẽm.
- Kiêng ăn và thay thế thức ăn bằng những thứ khác để có cảm giác no bụng.
- Trẻ có thói quen xấu không được nhắc nhở.
- Có vấn đề về phát triển như chậm phát triển tâm thần, tự kỷ, hay có những bất thường về não bộ.
- Rối loạn tâm thần như rối loạn ám ảnh cưỡng chế và tâm thần phân liệt.

Nguy cơ khi trẻ mắc hội chứng Pica
Khi mắc hội chứng Pica, trẻ có thể gặp những mối nguy hiểm về sức khỏe như:
– Bị ngộ độc (ăn những thứ như sơn tường, nó chứa chì vì thế có thể dẫn tới ngộ độc chì)
– Rắc rối khi đại tiện (những thứ như tóc, vải vóc…)
– Bị nghẽn ruột hoặc thủng ruột
– Bị tổn thương răng (ăn những thứ rắn và có hại cho răng)
– Nhiễm khuẩn động vật kí sinh (ăn phân động vật)

Điều trị hội chứng Pica ở trẻ nhỏ
Nếu trẻ mắc phải hội chứng Pica là do sự mất cân bằng chất dinh dưỡng, các bác sĩ cho trẻ uống thuốc bổ sung khoáng chất và vitamin. Ngoài ra, còn có một số phương pháp điều trị khác như:
- Trị liệu, dùng thuốc hoặc kết hợp cả hai nếu hội chứng Pica là do các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần.
- Bỏ bê trẻ cũng là một nguyên nhân gây ra hội chứng này. Do đó, bố mẹ nên dành thời gian nói chuyện với trẻ nhiều hơn.
- Đặt những đồ vật không phải thức ăn mà bé muốn ăn vào trong tủ có khóa hoặc để ngoài tầm với của trẻ.
- Tránh những hành động tiêu cực như phạt trẻ khi trẻ muốn ăn những đồ vật không phải thức ăn.
Phòng ngừa hội chứng Pica ở trẻ nhỏ như thế nào?
Hiện vẫn chưa có cách cụ thể nào giúp ngăn ngừa hội chứng Pica. Tuy nhiên, ba mẹ vẫn có thể làm một số điều sau để hạn chế và phát hiện kịp thời tình trạng này:
- Tìm hiểu về các thói quen ăn uống lành mạnh khác và những rối loạn ăn uống thường gặp
- Chú ý đến chế độ ăn của trẻ, đảm bảo trẻ có một chế độ ăn khỏe mạnh và giàu dinh dưỡng
- Thường xuyên nói chuyện với trẻ
- Thường xuyên đưa trẻ đi khám sức khỏe định kỳ để biết trẻ có đang mắc bệnh gì hay không
- Khuyến khích trẻ ăn những món vặt tốt cho sức khỏe và không được ăn những thứ không phải thức ăn
- Chú ý đến tình trạng sức khỏe tâm thần của trẻ. Nếu không chú ý điều này, trẻ có thể phát triển hội chứng Pica
- Hãy giải thích những tác hại của việc ăn những loại không phải thức ăn với trẻ.