Hiện nay, việc sử dụng dụng cụ hút mũi cho trẻ sơ sinh thông đường thở cho trẻ rất phổ biến trong quá trình chăm con của nhiều bậc phụ huynh. Tuy nhiên, không phải ông bố bà mẹ nào cũng thực hiện các thao tác hút mũi đúng cách. Hãy tham khảo bài viết dưới đây để có thêm những thông tin bổ ích trong việc chăm sóc con yêu những năm tháng đầu đời.
Vì sao trẻ hay nghẹt mũi và sổ mũi?
Ở trẻ nhỏ, đường thở rất nhạy cảm với những kích ứng, sung huyết nên mỗi khi thời tiết thay đổi đột ngột, đặc biệt là thời điểm giao mùa, các bệnh về đường hô hấp trở nên phổ biến hơn. Và hiện tượng sổ mũi, nghẹt mũi ở trẻ chính là tình trạng viêm nhiễm do vi trùng hoặc vi rút gây ra.
Đối với trẻ mắc bệnh hen suyễn thường có biểu hiện thở khó do đờm gây tắc nghẽn cuống phổi khiến không khí đi qua phổi khó khăn tạo nên tiếng khò khè. Tình trạng này kéo dài có thể khiến trẻ bị suy hô hấp. Đối với trẻ hen suyễn, khi tới khám tại bệnh viện, trẻ sẽ được chỉ định thực hiện vật lý trị liệu để lấy đờm ra ngoài, giúp thông thoáng đường thở. Sau đó, bé sẽ được thở khí dung theo liều chỉ định để cắt cơn hen.
Lưu ý: Các mẹ cần phân biệt tiếng khụt khịt khi trẻ nghẹt mũi với tiếng thở khò khè do bệnh hen suyễn để tránh những lo lắng thái quá.
Những sai lầm khi hút mũi cho con của các mẹ
– Nhiều bậc cha mẹ sợ con đau, bị tổn thương phần da mỏng manh do vắt nước mũi đã dùng miệng hút phần nước mũi trẻ đang xụt xịt. Cách làm đầy yêu thương này lại là một sai lầm bởi hệ miễn dịch của trẻ lúc này đang rất yếu vì bị virus, vi trùng xâm nhập. Trong khi đó, khoang miệng người lớn tồn tại nhiều virus, vi trùng và cả mầm bệnh, có khả năng theo tuyến nước bọt tấn công hệ miễn dịch của trẻ khiến tình trạng viêm nhiễm càng trở nên tồi tệ hơn.
– Tương tự, sẽ rất sai lầm cho nếu cha mẹ móc họng để bé ói đờm nhớt ra ngoài. Cách làm này có thể làm xây xát vùng hầu họng và khi bé ói lại dễ bị sặc ngược vào đường thở rất nguy hiểm.
– Một số bậc phụ huynh khác lại lạm dụng nước rửa hoặc bình xịt để rửa mũi thường xuyên cho bé ngay cả khi con không gặp vấn đề về hô hấp.Theo bác sĩ, việc làm này có thể vô tình làm teo niêm mạc mũi, ảnh hưởng đến khả năng tuần hoàn hô hấp và khứu giác của trẻ.
– Ngoài ra, không ít trường hợp bố mẹ sử dụng chai nước rửa mắt để rửa mũi cho trẻ hoặc dùng nước rửa mũi Naphazolin 0,025%, 0,05%, 0,1%… giúp trẻ thông mũi nhưng kết quả ngược lại khiến trẻ bị ngộ độc. Phần lớn những ca ngộ độc này sẽ có các triệu chứng như: vã mồ hôi, tay chân lạnh, người lừ đừ, nhịp thở yếu, nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến hôn mê, tim đập không đều, ngưng thở từng cơn đe dọa đến tính mạng của trẻ nếu không được cấp cứu kịp thời.
Những lưu ý khi sử dụng dụng cụ hút mũi cho con
Hiện nay, ống hút mũi là sản phẩm hữu hiệu được nhiều bậc phụ huynh sử dụng giúp các bé bị sổ mũi, nghẹt mũi được thông mũi và thở thoải mái hơn. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết sử dụng ống hút mũi một cách thông minh. Dưới đây là cách sử dụng ống hút mũi hiệu quả, an toàn cho bé mà các mẹ có thể tham khảo.
Đầu tiên, mẹ hãy nhỏ hoặc xịt nước muối sinh lý vào mũi bé để làm ẩm và lỏng các chất nhầy trước khi hút chúng ra. Tiếp theo, mẹ để con nằm trên gối cao hoặc nằm nghiêng cho bé đỡ khó chịu, sau đó dùng chai nhỏ giọt hoặc bình xịt, xịt trực tiếp dung dịch vào mũi bé, sau đó hút đờm ra, lấy giấy/ khăn lau sạch đầu hút rồi tiếp tục thực hiện với bên còn lại.
Sau khi thao tác xong, bạn giữ con nằm nguyên tư thế đó trong khoảng 10 giây. Dòng nước muối sẽ sục đi tất cả đàm nhớt trong mũi, chảy xuống họng và gây phản xạ nhợn ói. Lần đầu bạn cứ để bé ói ra hết dịch mũi, những lần sau khi đã quen rồi bé sẽ không ói nữa. Mẹ nên hút mũi cho con khi đói để hạn chế việc bé nôn ói.
Tuy nhiên, các mẹ cần lưu ý là không hút mũi cho bé nhiều hơn 3 – 4 lần/ ngày, vì lực hút của dụng cụ hút mũi sẽ làm kích ứng niêm mạc mũi của trẻ. Không sử dụng nước muối hơn 4 ngày liên tiếp, vì theo thời gian chúng có thể làm khô bên trong mũi khiến tình trạng viêm mũi tồi tệ hơn. Trong quá trình sử dụng, các mẹ luôn luôn phải chú ý không được hút mũi cho bé quá mạnh mà phải thực hiện nhẹ nhàng vì khi hút mạnh có thể làm mô mũi bị viêm, khiến tình trạng bệnh trở nên nặng hơn.
Bên cạnh đó, việc vệ sinh dụng cụ hút mũi cho bé rất quan trọng, bởi nếu không vệ sinh sạch sẽ có thể khiến mũi bé tiếp xúc thêm với vô số vi khuẩn, kéo dài thời gian khỏi bệnh. Trước và sau khi sử dụng dụng cụ hút mũi, mẹ phải vệ sinh cẩn thận bằng cách: cho 1 ít nước có xà phòng vào trong ống hút, lắc, bóp, xả ra. Thực hiện lặp lại nhiều lần, khi rửa xong thì đặt dụng cụ ở nơi khô thoáng. Khi ống hút đã khô, mẹ có thể cho vào lọ thủy tinh sạch, khô để cất.
Thời tiết giao mùa chính là thời điểm thuận lợi để bùng phát các bệnh lý về tai mũi họng ở trẻ em. Chính vì vậy, việc tìm được địa chỉ thăm khám và điều trị bệnh uy tín sẽ giúp các bậc làm cha làm mẹ an tâm hơn khi chăm sóc con yêu. Hiện tại, Khoa Tai – Mũi – Họng Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc là một trong những địa chỉ được đông đảo phụ huynh tin tưởng, lựa chọn để thăm khám cho các bé.
Với đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm cùng hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại, đảm bảo sẽ đem đến sự hài lòng tuyệt đối cho khách hàng. Đặc biệt, quy trình nội soi tai mũi họng cho trẻ em tại Hồng Ngọc diễn ra theo đúng quy định và tiêu chuẩn của Bộ y tế, đảm bảo an toàn, hạn chế tối đa rủi ro có thể xảy ra…