Cơ thể trẻ sơ sinh chưa phát triển hoàn thiện cùng sức đề kháng còn non yếu nên rất nhạy cảm và dễ bị virus gây bệnh xâm nhập, đặc biệt là những căn bệnh truyền nhiễm. Tiêm phòng vaccin đầy đủ là cách tốt nhất để kích thích sự phát triển của hệ thống miễn dịch của bé, giúp ngăn ngừa và hạn chế khả năng lây nhiễm của nhiều tác nhân gây bệnh.
Cập nhật ngay lịch tiêm chủng cho bé năm 2018 để có kế hoạch cho con bạn được tiêm phòng đúng độ tuổi và thời gian, đảm bảo cho con được phát triển khỏe mạnh, an toàn:
Giai đoạn sơ sinh
- Tiêm vaccin viêm gan B ngay trong 24h giờ đầu sau khi bé ra đời.
- Tiêm vaccin BCG phòng bệnh Lao
Trẻ 2 tháng tuổi
- Tiêm vaccin 5 trong 1: Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván – Viêm gan B – Hib mũi 1
- Uống vaccin bại liệt lần 1
Trẻ 3 tháng tuổi
- Tiêm vaccin Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván – Viêm gan B – Hib mũi 2
- Uống vaccin bại liệt lần 2
Trẻ 4 tháng tuổi
- Tiêm vaccin Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván – Viêm gan B – Hib mũi 3
- Uống vaccin bại liệt lần 3
Từ tháng thứ 5 đến hết tháng thứ 8
- Cho bé nghỉ ngơi.
Trẻ 9 tháng tuổi
- Tiêm phòng sởi mũi 1
Trẻ 18 tháng tuổi
- Tiêm vaccin bạch hầu – ho gà – uốn ván mũi 4
- Tiêm vaccin sởi – rubella (MR)
Trẻ từ 12 tháng tuổi
- Vaccin viêm não Nhật Bản mũi 1
- Vaccin Viêm não Nhật Bản mũi 2 (hai tuần sau mũi 1)
- Vaccin Viêm não Nhật Bản mũi 3 (một năm sau mũi 2)
Trẻ từ 2 đến 5 tuổi
- Vaccin tả 2 lần uống (vùng nguy cơ cao) (lần 2 sau lần một 2 tuần)
Trẻ từ 3 đến 10 tuổi
- Vaccin thương hàn tiêm 1 mũi duy nhất (vùng nguy cơ cao)
Vì sao cần nhớ lịch tiêm chủng cho bé?
Tiêm chủng cho bé là cách đơn giản mà hiệu quả nhất để bảo vệ con khỏi những nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề về sức khỏe thậm chí tính mạng của bé. Theo các chuyên gia y tế, tỉ lệ mắc bệnh và mức độ rủi ro khi bé không được tiêm phòng lớn hơn rất nhiều so với những bé đã được tiêm phòng đầy đủ. Đối với những bé được tiêm chủng, việc bị phản ứng hay một số tác dụng phụ có thể xảy ra nhưng không đến mức nghiêm trọng như khi trẻ mắc bệnh vì trước đó không được tiêm vaccin phòng bệnh.
Những lưu ý mẹ nhất định phải nhớ khi cho bé đi tiêm chủng
- Không để bé quá đói hoặc quá no trước khi tiêm phòng cho trẻ sơ sinh
- Giữ gìn vệ sinh cá nhân cho bé, tránh để bé bị nhiễm trùng
- Khai chi tiết những tiền sử hay triệu chứng bệnh lý của bé trong tờ điều tra bệnh sử trước khi tiêm
- Chú ý các loại vaccin sống như: lao, thủy đậu, sởi,… nên tiêm phòng cách nhau ít nhất từ 4 tuần
Sau khi tiêm chủng cho bé, mẹ cần chú ý chăm sóc con như thế nào?
- Sau khi tiêm xong, cho bé ở lại khoảng 30 phút để theo dõi, phát hiện sớm những phản ứng có thể xảy ra. Trong 24 giờ tiếp theo, các mẹ nên tiếp tục theo dõi bé ở nhà. Nếu con có hiện tượng bất thường như: bỏ bú, sốt cao, co giật, tím tái,… cần đưa bé đến ngay cơ sở y tế để xử lí kịp thời.
- Nếu mẹ thấy vết tiêm của con sưng đỏ hay nổi cục cứng thì đừng nên lo lắng mà vì đây là một trong những phản ứng bình thường của trẻ khi tiêm. Nhiều bà mẹ còn chườm, đắp hay bôi thuốc vào vết tiêm của bé nhưng điều đó là hoàn toàn không cần thiết và không nên, vì rất có khả năng vết tiêm sẽ bị nhiễm khuẩn.
- Sốt nhẹ là phản ứng phổ biến nhất ở trẻ sau khi tiêm vaccin về. Các mẹ hãy lưu ý mặc quần áo thoáng mát cho bé, lau người cho con bằng nước ấm và tuyệt đối không tự ý cho bé uống thuốc hạ sốt có chứa thành phần aspirin và axit salicylic bởi nó có thể gây biến chứng nghiêm trọng khi kể hợp với thành phần của vaccin mà bé vừa được tiêm phòng.
- Về thực đơn của bé sau khi tiêm, nên cho bé ăn những thức ăn dạng mềm, lỏng, dễ tiêu và dễ nuốt và chia nhỏ bữa ăn trong ngày của con để bé ăn được nhiều bữa hơn.
Xem thêm: Khám tổng quát cho trẻ em