Phần lớn trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh vẫn có thể học tập và sinh hoạt như những trẻ bình thường khác. Tuy nhiên cha mẹ nên chú ý chăm sóc kỹ lưỡng để đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho trẻ. Dưới đây là những lưu ý khi điều trị bệnh tim ở trẻ em mà bạn cần nắm được:
Chú ý chế độ dinh dưỡng
Những trẻ mắc bệnh tim thường biếng ăn, kém bú, lại thêm tình trạng dễ bị viêm nhiễm đường hô hấp nên dung nạp thức ăn kém hơn các em bé khác, dẫn đến suy dinh dưỡng. Trong khi đó, nhu cầu năng lượng của trẻ lại cao nên cha mẹ cần gặp bác sĩ để được tư vấn cụ thể về vấn đề dinh dưỡng cho trẻ bị bệnh tim.

– Nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, bú thành nhiều cữ trong ngày nhưng mỗi cữ bú không nên quá dài.
– Nếu trẻ đã ăn dặm thì cũng chỉ nên cho ăn thành nhiều bữa và mỗi bữa ăn từng ít một tùy theo khả năng tiêu hóa của bé. Chú ý cho trẻ ăn những thức ăn dễ tiêu hóa.
– Sau khi cho bé bú, mẹ nên bế đứng trẻ để trẻ dựa áp vào vai trong vài phút rồi vỗ nhẹ vào lưng giúp trẻ ợ hơi trước khi đặt nằm. Nên để trẻ nằm nghiêng phòng trường hợp nếu sữa bị ọc thì cũng không tràn vào mũi.
– Trong trường hợp trẻ không bú được thì nên vắt sữa rồi cho trẻ uống. Lượng sữa cần thiết cho trẻ bú trong ngày là bằng 15% trọng lượng cơ thể của trẻ.
– Đảm bảo cho bé uống đủ nước hàng ngày và bổ sung chất xơ phòng ngừa táo bón để tránh việc đi vệ sinh phải rặn nhiều.
Nên đưa trẻ tới bệnh viện có chuyên khoa nhi để tái khám đúng hẹn và cần phải tuân thủ theo những hướng dẫn điều trị của bác sĩ.
Chế độ sinh hoạt của trẻ
Bên cạnh việc xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, bạn cần chăm sóc trẻ chu đáo trong sinh hoạt hàng ngày:
– Vào mùa đông, đảm bảo luôn giữ ấm cho trẻ, vệ sinh răng miệng và cơ thể sạch sẽ để tránh nhiễm trùng.
– Không cho trẻ nô đùa quá nhiều, tránh vận động mạnh để trẻ không phải gắng sức.
– Tránh để trẻ khóc quấy vì khi trẻ khóc sẽ làm tăng nhu cầu hấp thụ oxy làm trẻ dễ bị tím tái, mệt và khó thở.
– Khi nằm, đặt trẻ gối đầu cao chếch khoảng 45 độ, đặc biệt là khi trẻ đang khó thể và mệt.
– Nên tránh để trẻ ở trong môi trường có ánh áng quá chói, tiếng động lớn, để trẻ nghỉ ngơi trong phòng yên tĩnh.

– Không để xảy ra trường hợp tã ướt hoặc bụng đói.
– Mẹ cần rửa tay sạch sẽ trước khi cho trẻ bú hoặc ăn, lau kỹ núm vú bằng nước ấm.
– Không cho trẻ tiếp xúc với những người đang mắc các bệnh nhiễm trùng hay cảm cúm.
– Đưa trẻ đi tái khám đúng lịch và tiêm phòng vaccine theo đúng lịch tiêm chủng quốc gia như những trẻ khác.
– Nếu trẻ cần phải cắt amidan, nhổ răng hoặc làm một số phẫu thuật khác mà vết thương có chảy máu thì cần thông báo trước cho bác sĩ để có giải pháp phòng tránh nguy cơ bị nhiễm trùng.
Phòng người tim bẩm sinh cho trẻ trong thai kỳ
Bệnh tim bẩm sinh ở trẻ nhỏ là dị tật xảy ra từ khi trẻ còn là bào thai. Do đó, để phòng bệnh, người mẹ cần phải quan tâm chăm sóc sức khỏe thai kỳ thật tốt, đặc biệt là trong 3 tháng đầu:
– Nên tránh môi trường ô nhiễm, tránh tiếp xúc với các hóa chất độc hại, tia bức xạ…
– Không sử dụng các chất kích thích như rượu, cà phê, thuốc lá… Không tiếp xúc với các chất độc, không sử dụng các loại thuốc an thần hay thuốc nội tiết tố…

– Tiêm vaccine phòng ngừa các bệnh như rubella, herpes, quai bị, coxsaskie B, cytomegalovirus… theo đúng lịch và quy chuẩn.
– Nếu mẹ bầu mắc các bệnh lý như lupus ban đỏ, tiểu đường… thì cần được theo dõi và điều trị tích cực.
– Cần tuân thủ lịch khám va theo dõi thai định kỳ.