Sữa là loại thực phẩm không thể thiếu đối với trẻ nhỏ. Thành phần của sữa chứa nhiều dinh dưỡng quan trọng cho sự phát triển toàn diện về thể chất cũng như trí tuệ của bé. Nhưng không ít bà mẹ đang mắc phải một số sai lầm trong cách bảo quản và pha sữa cho con , dẫn đến việc vô tình làm ảnh hưởng tới sức khỏe cũng như sự phát triển của bé. Bài viết dưới đây sẽ chỉ ra 5 điều cần tránh khi pha sữa cho con để các mẹ có thêm kiến thức giúp con hấp thụ tốt nhất các dưỡng chất từ sữa!
Pha sữa với nước sôi quá nóng hoặc quá nguội
Nếu pha sữa bằng nước quá nóng, một số dưỡng chất chứa trong sữa như: acid folic, vitamin nhóm B, lysin,… rất dễ hư hỏng, mất tác dụng trong môi trường nhiệt độ cao. Còn nếu pha sữa với nước quá nguội, sữa không thể tan hết và kết thành những vón sữa nhỏ, những dinh dưỡng từ sữa từ đó cũng mất đi và trẻ không hấp thụ được.
Nhiệt độ nước tiêu chuẩn để pha sữa mà các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo là từ 40-60 độ C. Để pha được nước có nhiệt độ này, bạn có thể trộn 2/3 nước nguội cùng 1/3 nước sôi đồng thời lắc kỹ bình sữa để sữa tan hết, nếu sữa còn nóng có thể để khoảng 10 phút và cho bé bú.
Pha sữa quá đặc
Một số bà mẹ thường pha sữa đặc hơn so với hướng dẫn tiêu chuẩn của nhà sản xuất sữa vì lí do muốn bé yêu hấp thụ được nhiều dinh dưỡng hơn và no lâu hơn để tiết kiệm thời gian cho bé uống sữa. Song đây chính là một sai lầm mà các mẹ cần từ bỏ ngay. Uống sữa quá đặc sẽ khiến bé bị thiếu nước, táo bón, chán ăn và dần cảm thấy “sợ” sữa vì quá béo. Nguy hiểm hơn là nếu tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến nguy cơ trẻ bị xuất huyết ruột cấp tính!
Bởi vậy, các mẹ nên tuân theo công thức pha sữa đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất để đảm bảo cho bé có thể hấp thụ các chất dinh dưỡng một cách an toàn và tốt nhất có thể.
Kết hợp sữa cùng nước ép trái cây
Sữa và trái cây hẳn là những thực phẩm “vàng” của bé. Nhưng sự kết hợp của chúng không hẳn sẽ giúp ích cho tiêu hóa và sức khỏe của trẻ nhỏ đâu mẹ nhé! Acid trong các loại trái cây như cam, chanh, xoài,… sẽ làm mất đi những thành phần dinh dưỡng vốn có của sữa. Khi kết hợp với chất casein có trong protein ở sữa sẽ dẫn đến hiện tượng kết tủa nhanh chóng, làm biến chất protein khiến bé khó hấp thu và tiêu hóa hơn nhiều. Nếu muốn bổ sung trái cây cho bé, hãy đợi khoảng 30 phút sau khi uống sữa xong, bé có thể ăn hoặc uống nước ép trái cây nhé!
Pha sữa với nước cháo loãng
Đây dường như là thói quen của khá nhiều các bà, các mẹ mà không biết rằng, sự kết hợp này cũng vô cùng nguy hiểm. Lí do là bởi trong sữa chứa nhiều vitamin A, còn trong nước cơm hay cháo lại chủ yếu là tinh bột và chất lipoxidase – một chất có khả năng phá hủy vitamin A. Sự kết hợp giữa sữa và cháo loãng sẽ khiến bé bị mất đi một lượng vitamin A đáng kể. Không chỉ vậy, tinh bột trong nước cơm hay cháo loãng còn khiến trẻ khó hấp thụ canxi, kìm hãm sự tăng trưởng chiều cao của trẻ cũng như khiến trẻ rối loạn tiêu hóa, còi xương và suy dinh dưỡng,…
Bảo quản sữa trong tủ lạnh hoặc bình ủ ấm
Tủ lạnh hay bình ủ ấm thực chất chỉ có tác dụng bảo quản sữa mà không thể ngăn ngừa được vi trùng, trong khi sức đề kháng và hệ tiêu hóa của trẻ vẫn còn non yếu. Vì thế bảo quản sữa mà bé uống thừa trong tủ lạnh hay bình ủ có thể khiến bé yêu bị rối loạn tiêu hóa do những vi trùng xâm nhập vào bình sữa. Để đảm bảo an toàn cho bé, mẹ nên pha một lượng sữa vừa đủ cho một lần uống theo khả năng của bé, tránh để bé uống sữa thừa nhiều lần.