Trẻ nhỏ rất dễ bị mắc các vấn đề về răng lợi, trong đó viêm lợi là một bệnh khá phổ biến. Viêm lợi khiến trẻ đau, khó chịu và trở nên lười ăn. Các mẹ nên làm gì khi trẻ bị mắc viêm lợi để chăm sóc và giảm bớt tình trạng này?
Viêm lợi là một trong những bệnh lý thông thường ở trẻ nhỏ. Tuy không có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và dễ dàng điều trị. Tuy vậy, các bậc cha mẹ cần đề phòng tránh viêm lợi cho con, bởi sức khỏe răng miệng là một phần rất quan trọng để cho trẻ có một sức khỏe tổng thể tốt.
Nguyên nhân nào khiến trẻ bị viêm lợi?
Có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến trẻ bị viêm lợi, nhưng nguyên nhân chủ yếu nhất vẫn là do vệ sinh răng miệng kém. Đặc biệt, mô lợi của trẻ nhỏ mềm hơn mô lợi của người lớn nên dễ bị tổn thương hơn, dễ bị nhiễm khuẩn, virus như: herpes simplex (HSV-1) , coxsackie, streptococcus, actinomyces,…. Dưới đây là một số những nguyên nhân chính khiến trẻ bị viêm lợi:
- Vệ sinh răng kém làm cho thức ăn thừa, mảng bám tích tụ lại dưới chân răng và kẽ răng tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công vào tận chân trăng.
- Đánh răng không đúng cách khiến lợi bị tổn thương.
- Thói quen cắn móng tay, ngậm mút tay, nhai phải thức ăn cứng, hoặc trẻ ngậm đồ gì đó mất vệ sinh trong miệng…

- Ăn nhiều thức ăn cay, nóng hoặc quá mặn, quá chua cũng có thể là nguyên nhân gây ra viêm lợi.
- Trẻ đang trong thời kỳ mọc răng thường hay bị sưng, nứt lợi cũng có thể gây ra viêm lợi. Tuy nhiên, triệu chứng viêm này thường nhẹ và sẽ nhanh chóng giảm dần.
- Viêm phổi hay rối loạn tiêu hóa cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng viêm lợi ở trẻ.
- Sức đề kháng suy giảm ở trẻ làm gia tăng nhiễm khuẩn, nhiễm virus. Vì vậy cũng có thể làm gia tăng bệnh viêm lợi.
Các triệu chứng thường gặp của viêm lợi ở trẻ em
Viêm lợi có nhiều triệu chứng khác nhau. Đa số các triệu chứng cũng không khó nhận biết. Tùy vào nguyên nhân và đặc điểm mỗi đứa trẻ mà sẽ có mức độ nặng nhẹ và biểu hiện triệu chứng khác nhau. Dưới đây là một số dấu hiệu thường gặp:
- Lợi sưng tấy, có thể có mụn mủ màu trắng hoặc vết lở loét ở lợi, bên trong má. Lợi sưng to có thể khiến trẻ bị sưng lệch cả một bên má.

- Răng miệng có mùi hôi.
- Chảy máu chân răng. Đặc biệt, khi đánh răng, bàn chải cọ vào lợi dễ bị chảy máu.
- Đau nhức khiến trẻ quấy khóc, khó khăn trong việc ăn uống, không chịu ăn.
- Chảy nhiều nước dãi.
- Sốt, khó chịu.
Các biến chứng của bệnh viêm lợi ở trẻ
Viêm lợi khiến trẻ đau đớn trong miệng, nên thường chán ăn uống, bỏ bữa. Ngoài ra, trẻ có thể bị táo bón hoặc sốt, từ đó có thể gây ra tình trạng mất nước, sụt cân. Đó chính là những ảnh hưởng từ bệnh viêm lợi tới sức khỏe tổng thể của trẻ.
Nếu viêm lợi không được điều trị, để kéo dài quá lâu hoặc không có chế độ chăm sóc tốt khiến bệnh trở nên nghiêm trọng hơn sẽ có những dấu hiệu sau:
- Những vết lở loét lan rộng ra, có thể lõm xuống, sưng đỏ khiến trẻ rất đau đớn.

- Với trẻ lớn hơn đã mọc răng vĩnh viễn, viêm lợi có thể làm chân răng dần bị lộ ra, không những ảnh hưởng thẩm mỹ của hàm răng, mà còn khiến tình trạng răng lợi của trẻ trở nên nghiêm trọng hơn.
- Nếu để tình trạng viêm lợi quá lâu không chữa có thể khiến lợi và xương hàm bị phá hủy nặng, răng không còn chỗ bám sẽ dần lỏng lẻo và bị rụng ra.
Cách chăm sóc và điều trị viêm lợi ở trẻ
Viêm lợi về cơ bản vẫn được coi là một dạng bệnh nhẹ, dễ điều trị. Thông thường, nếu giữ vệ sinh tốt và chăm sóc răng miệng cũng như sức khỏe nói chung đúng cách, bệnh sẽ tự khỏi sau 2-3 tuần.
Tuy nhiên, tình trạng sưng tấy lợi khiến trẻ rất đau đớn, khó chịu. Để giảm thiểu tình trạng này, có nhiều cách có thể áp dụng nhằm giảm bớt đau đớn, và phòng tránh nguy cơ bệnh nặng hơn cho trẻ. Dưới đây là một số biện pháp các cha mẹ có thể áp dụng để chăm sóc trẻ khi bị vệnh viêm lợi quấy rầy:
- Chú ý vệ sinh răng miệng sạch sẽ. Súc miệng thường xuyên bằng nước muối hoặc nước súc miệng có chứa thuốc hydrogen peroxide, xylocaine.

- Chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và lành mạnh, tránh ăn nhiều những thức ăn cay, mặn, chua. Chú ý bổ sung nhiều vitamin qua các loại rau quả, nước ép trái cây.
- Nên cho trẻ ăn những thức ăn mềm, dễ nhai, dễ nuốt như cháo, súp, mì để trẻ đỡ bị đau đớn. Tránh thức ăn cứng khiến lợi trẻ bị tổn thương nặng thêm.
- Những thức ăn làm mát như kem sữa, sữa chua, nước ép hoa quả…sẽ giúp làm dịu nướu răng.
- Sử dụng bàn chải mềm và đánh răng đúng cách.
- Nếu bệnh nặng và đau nhiều, có thể cho bệnh nhân sử dụng thuốc giảm đau và thuốc kháng sinh, lưu ý là tuân thủ theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.
Những cách phòng ngừa cho trẻ tránh bị viêm lợi
Bệnh viêm lợi ở trẻ hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng cách chú ý giữ gìn vệ sinh răng miệng thường xuyên, và tăng cường sức đề kháng thông qua chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh. Cụ thể, các cha mẹ cần chú ý:
- Ngay từ khi trẻ còn chưa mọc răng sữa, hãy chú ý vệ sinh răng miệng cho trẻ bằng cách rơ lưỡi, nướu của bé thật sạch sẽ hàng ngày.

- Không cho trẻ dùng thăm xỉa răng, mà nên dùng chỉ nha khoa để lấy thức ăn mắc trong răng.
- Đánh răng đúng cách 2 lần/ngày, buổi sáng ngủ dậy và trước khi đi ngủ.
- Chọn bàn chải đánh răng có lông bàn chải mềm, có thể đánh sạch tận từng kẽ răng và trăng ở tận trong cùng mà không gây tổn thương răng lợi.
- Lựa chọn kem đánh răng có chứa flour và các chất tốt cho răng lợi.
- Súc miệng thường xuyên bằng nước ấm pha muối loãng.
- Tránh hôn hoặc chạm miệng với những người đang bị bệnh.
- Thường xuyên rửa tay đúng cách trước khi ăn và sau mỗi lần vệ sinh để ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập vào răng lợi.
- Không cho trẻ ngậm mút tay hay đưa những đồ vật không vệ sinh vào miệng.
- Có chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, tạo lối sống lành mạnh và thư giãn hợp lý để tăng cường hệ thống miễn dịch.
- Không cho trẻ ăn nhiều kẹo, thực phẩm có nhiều đường, nước ngọt, đặc biệt là trước khi đi ngủ.
- Không uống, ăn thức ăn quá nóng, hoặc quá lạnh, tránh làm tổn thương răng lợi.
- Khám sức khỏe răng miệng định kỳ cho trẻ.

Bệnh viêm lợi ở trẻ không phải là bệnh lý nguy hiểm, và có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy vậy, không nên chủ quan vì viêm lợi có thể làm giảm chất lượng cuộc sống của trẻ. Nếu để tình trạng viêm lợi kéo dài không điều trị còn có thể khiến bệnh nặng hơn và gây ra các biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, các bậc cha mẹ cần chú ý chăm sóc, vệ sinh răng miệng cho trẻ thường xuyên. Nếu thấy các triệu chứng viêm lợi trở nên xấu đi hoặc kéo dài, bạn cần cho bé đi khám và điều trị việc tự ý điều trị có thể làm nghiêm trọng hơn hoặc gây ra các nguy cơ xấu khác.