Nhiệt miệng tuy là bệnh lành tính và có thể tự khỏi trong thời gian ngắn nhưng không thể phủ nhận những phiền toái nó mạng lại cho người bệnh. Đặc biệt đối với trẻ nhỏ, nhiệt miệng khiến bé khó chịu, quấy khóc, kém ăn và sút cân… ảnh hưởng đáng kể tới sức khỏe non yếu của bé. Tuy vậy, các mẹ cũng không cần quá lo lắng vì có rất nhiều phương pháp chữa nhiệt miệng ở trẻ nhỏ có thể dễ dàng áp dụng ngay tại nhà. Cùng Hồng Ngọc tìm hiểu ngay bây giờ nhé!
Nguyên nhân nhiệt miệng ở trẻ nhỏ
Bệnh nhiệt miệng thực chất là bệnh viêm loét niêm mạc má, nướu và lưỡi do nhiều nguyên nhân khác nhau. Biểu hiện của bệnh là xuất hiện vài đốm trắng 1 – 2 mm, to dần, hơi mọng nước tại niêm mạc miệng. Vết loét sẽ to dần gây khó khăn cho việc ăn uống nếu không được điều trị nhanh chóng.
Nguyên nhân dẫn đến lở miệng ở trẻ em có thể kể đến như:
– Cắn nhầm niêm mạc ở trong má hay lưỡi, do thức ăn quá cứng, vệ sinh răng miệng không đúng cách, chải răng và nướu quá mạnh.
– Ăn uống phải thức ăn quá nóng, bị bỏng niêm mạc gây lở loét.
– Trong một số trường hợp, viêm loét miệng thường xuyên tái phát ở những trẻ thiếu sắt, kẽm, folic hoặc vitamin nhóm B.
– Do cho trẻ dùng một số thuốc dẫn đến tình trạng khô miệng cũng dễ làm xuất hiện những vết loét trong miệng.
– Rối loạn hệ thống miễn dịch làm suy giảm miễn dịch và gây nhiệt miệng.
Mẹ cũng cần cẩn thận quan sát và lưu ý nếu thấy bên cạnh vết loét miệng, bé nổi thêm các nốt phòng ở tay, chân hoặc mông kèm theo sốt thì rất có nguy cơ bé bị mắc bệnh tay – chân – miệng hoặc Thuỷ Đậu. Lúc này, cần đưa bé đến bệnh viện để được khám chữa kịp thời.
Khi nào nên đưa trẻ bị nhiệt miệng đi khám?
Thông thường, nhiệt miệng có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, ba mẹ nên đưa bé đến bác sĩ nếu có những dấu hiệu sau:
– Sút cân nhanh
– Đau vùng bụng
– Sốt cao bất thường
– Trong phân có lẫn máu hoặc chất nhầy
– Viêm hoặc loét da xung quanh hậu môn
Một số mẹo chữa nhiệt miệng ở trẻ nhỏ hiệu quả
Mật ong
Khi bé bị nhiệt miệng, mẹ có thể cho bé ngậm mật ong hoặc lấy bông tăm thấm mật ong vào chỗ loét. Đây là phương pháp “kinh điển” trong dân gian và được nhiều mẹ sử dụng để chữa nhiệt miệng. Nhiều nghiên cứu cho thấy dung dịch mật ong 30% có thể ức chế hoặc tiêu diệt hầu hết các loại nấm và vi khuẩn, lại có vị ngọt dễ uống.
Bột sắn dây
Bột sắn dây nổi tiếng là thực phẩm bổ mát cho bất cứ ai. Cho bé uống bột sắn dây 2 lần/ngày sẽ giúp giảm cơn đau rát trong miệng của bé hiệu quả.
Nước khế chua
Khế là một trong những loại quả có tác dụng thanh nhiệt rất cao. Mẹ có thể lấy 2 – 3 quả khế tươi, giã nát, đổ ngập nước vào đun sôi một lúc, có thể cho ít đường phèn nếu bé không chịu uống chua, chờ khi nguội thì cho bé ngậm và nuốt dần. Với phương pháp này, mẹ nên cho bé ngậm nhiều lần trong ngày và cần chọn loại khế chua bởi tác dụng thanh nhiệt của chúng sẽ tốt hơn khế ngọt.
Cà chua
Đừng nấu chín mà hãy dùng cà chua tươi để ép lấy nước cho bé uống. Chỉ sau khi uống vài ly nước cà chua ép trong ngày, bạn sẽ thấy dấu hiệu của các nốt lở nhiệt miệng của bé lành nhanh thấy rõ.
Nước cam, chanh
Bản thân nước cam, chanh không “đặc trị” chữa nhiệt miệng. Tuy nhiên, chúng đều chứa rất nhiều vitamin C giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, giúp bé vượt qua những căn bệnh do virus, vi khuẩn gây ra. Bạn có thể cho bé uống 1 ly nước chanh hoặc cam vắt mỗi ngày nhưng tránh cho bé uống khi bụng đói.
Cùi dừa
Nghiền nát vài mảnh cùi dừa, sau đó ép lấy nước và cho bé súc miệng khoảng 3 đến 4 lần mỗi ngày. Những vết lở do nhiệt miệng sẽ giúp giảm viêm sưng nhanh chóng.
Ngậm chất chát
Chất chát có tính kháng khuẩn tốt nên rất nhanh chóng chữa lành các nốt lở do nhiệt miệng. Mẹ có thể dễ dàng tìm kiếm trong tự nhiên như nước chè xanh, húng chanh hay vỏ xoài… Cho bé ngậm một ngụm nước chè xanh trong khoảng 5-10 phút rồi nhả ra, bé sẽ đỡ đau nhức nhiều.
Lá rau ngót
Mẹ rửa sạch rau ngót, lấy lá giã nát, ép lấy nước cốt, hòa với một ít mật ong. Sau đó, mẹ dùng bông thấm hỗn hợp này rồi bôi vào chỗ lở loét của bé. Một ngày bạn có thể bôi 2 – 3 lần. Lá rau ngót có tác dụng giống như cỏ nhọ nồi. Theo Đông y, lá và rễ của rau ngót đều có tác dụng mát huyết, hoạt huyết, lợi tiểu và giải độc.
Nước củ cải
Bạn giã nhỏ 300g củ cải, lọc qua bằng nước đun sôi rồi cho bé súc miệng từ 2 – 3 lần/ngày. Những vết lở loét sẽ dịu bớt và bé sẽ cảm thấy dễ chịu hơn.
Rau má, râu ngô
Các mẹ có thể nấu nước rau má hoặc nước râu ngô cho bé uống thay nước lọc. Nước rau má, râu ngô có tác dụng làm giảm viêm sưng do nhiệt miệng gây ra.
Ngăn ngừa nhiệt miệng ở trẻ nhỏ
– Thiết lập thói quen tốt cho bé trong sinh hoạt hàng ngày.
– Giữ gìn vệ sinh răng miệng, hướng dẫn bé đánh răng đúng cách, tránh làm tổn thương niêm mạc. Mẹ có thể tập cho con thói quen xúc miệng bằng nước muối ấm hàng ngày bởi nước muối với nồng độ thích hợp, độ ấm vừa phải sẽ có tác dụng sát trùng tốt, làm sạch khoang miệng, amidan, họng.
– Cho bé ăn uống thực phẩm mát, đặc biệt vào mùa hè.
– Không để bé ngậm các vật sắc hay cho tay vào miệng
– Không nên ép trẻ ăn quá nhiều cùng một lúc dễ khiến bé quấy, hoảng loạn và có thể cắn vào lưỡi.
Xem thêm: khám sức khỏe định kỳ cho trẻ em