Nói ngọng là biểu hiện phổ biến ở những trẻ đang trong độ tuổi tập nói. Đây là một hiện tượng bình thường đối với trẻ ở giai đoạn này nên các mẹ không nên cần quá lo lắng. Tuy nhiên, nếu trẻ đã lớn tuổi mà vẫn bị nói ngọng thì đó là dấu hiệu của bệnh lý. Bài viết dưới đây sẽ cho bạn biết nguyên nhân bệnh nói ngọng ở trẻ em.
Theo thống kê, có tới 99,9% trẻ nói ngọng trong thời gian từ 1 đến 3 tuổi, vì vậy cha mẹ không nên quá lo lắng về vấn đề này. Cùng với sự phát triển của cơ thể, các bộ phận, chức năng của bé cũng sẽ hoàn thiện theo thời gian. Tuy nhiên, cha mẹ tuyệt đối không nói ngọng theo trẻ.
Sở dĩ những trẻ từ 2-3 tuổi chưa nói được tròn vành, rõ chữ vì ở lứa tuổi này trẻ đang trong quá trình phát triển về âm và có thể tự điều chỉnh để nói cho đúng nếu được sửa. Cho tới năm 4-5 tuổi trẻ mới định hình được cách phát âm và khi trẻ đạt 6 tuổi được coi là chuẩn mực để xác định trẻ có nói ngọng hay không.
Nói ngọng ở trẻ em là gì?
Ngôn ngữ của trẻ được hình thành trên cơ sở các phản xạ có điều kiện, dựa trên sự tác động của các yếu tố từ môi trường bên ngoài kích thích vào trung tâm nghe. Do vậy, nếu có sự trục trặc nào đó trong quá trình hình thành ngôn ngữ thì sẽ xảy ra hiện tượng rối loạn ngôn ngữ ở trẻ, điển hình là ngọng.
“Nói ngọng” là từ dùng để chỉ trẻ có rối loạn phát âm lời nói (speech sound disorder) hay trẻ nói không rõ từ. Nói ngọng thường xảy ra ở hầu hết các trẻ, nhất là trong giai đoạn bắt đầu tập nói.
Theo thời gian tăng trưởng, các cấu trúc phát âm như hàm, môi, lưỡi, răng,… phát triển và lời nói của trẻ sẽ rõ hơn. Tuy nhiên, có một số trẻ sẽ không tự khỏi và điều này ảnh hưởng rất lớn đến trẻ trong quá trình giao tiếp và trong tâm lý của trẻ.
Theo đó, trẻ nói không rõ thường hay bị bạn bè chọc ghẹo, từ đó sẽ làm trẻ ngại phát biểu trong lớp và dễ mặc cảm, xa lánh mọi người. Trẻ nói không rõ cũng sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập. Bởi vậy, chúng ta cần can thiệp sớm cho trẻ nói ngọng, nhất là trẻ ở độ tuổi mẫu giáo để có thể chuẩn bị bước vào lớp 1 với sự phát âm rõ ràng.
Hiện nay, các bác sĩ chia nói ngọng thành 2 dạng:
– Nói ngọng sinh lý: do cơ quan phát âm của trẻ có lỗi bẩm sinh như ngắn lưỡi, đầy lưỡi…
– Nói ngọng mang tính xã hội: do trẻ phát âm lệch so với chuẩn.
Nguyên nhân bệnh nói ngọng ở trẻ em
Trên thực tế, người ta vẫn chưa xác định một cách cụ thể và chính xác về những nguyên nhân bệnh nói ngọng ở trẻ em. Tuy nhiên, một số yếu tố dưới đây có thể được xem là nguồn gốc dẫn đến hiện tượng trẻ nói ngọng, bao gồm:
– Do trẻ tự bóp méo âm thanh để truyền đạt ý của mình cho người khác hiểu theo suy nghĩ riêng của trẻ.
– Do cha, mẹ không sửa ngay những từ nói sai, khiến cho trẻ tạo thành thói quen mà lặp đi lặp lại.
– Do cha mẹ và những người xung quanh đã sử dụng sai ngôn ngữ khiến con cái bắt chước.
– Do trẻ mắc phải một số bệnh gây khó thở, ngạt mũi nên khiến khi nói trẻ phải thè lưỡi ra để phát âm.
Trên đây là những thông tin về hiện tượng trẻ nói ngọng và nguyên nhân bệnh nói ngọng ở trẻ em. Những thông tin này sẽ giúp ích cho các bậc phụ huynh trong quá trình chăm sóc và nuôi dạy trẻ, để trẻ được phát triển ngôn ngữ một cách tốt nhất.