Đái dầm không phải bệnh lí quá nguy hiểm ở trẻ nhưng nếu để lâu sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển về thể chất và tâm lí của trẻ. Vậy nguyên nhân gây bệnh đái dầm ở trẻ là gì? Hãy cùng các bác sĩ khoa Nhi bệnh viện Hồng Ngọc tìm câu trả lời nhé!
Bệnh đái dầm ở trẻ em
Đái dầm là biểu hiện của chứng tiểu không tự chủ ở trẻ em, thường xảy ra vào ban đêm và thường gặp ở trẻ em dưới 2 tuổi. Khi 5 tuổi trẻ đã biết đi vệ sinh tự chủ và giữ mình khô ráo cả ngày. Nhưng nếu từ 7 tuổi trở lên mà trẻ vẫn thường xuyên đái dầm thì có thể coi là hiện tượng bất thường. Bệnh đái dầm ở trẻ được phân thành hai dạng: đái dầm tiên phát và đái dầm thứ phát.
Đái dầm tiên phát là hiện tượng trẻ đái dầm diễn ra ngay từ lúc nhỏ và tiếp tục kéo dài sau 5 tuổi, dạng này chiếm 90% các ca đái dầm thường gặp ở trẻ. Còn đái dầm thứ phát là hiện tượng trẻ đã từng khỏi trong thời kì khô ráo (3 tuổi) nhưng sau đó đái dầm lại ở giai đoạn 6-7 tuổi. Cha mẹ cần lưu ý khi các con ở trong trường hợp này để kịp thời theo dõi và có những biện pháp chữa trị kịp thời. Có nhiều nguyên nhân gây bệnh đái dầm ở trẻ như di truyền, có vấn đề về sinh lí, tâm lí…
Nguyên nhân gây bệnh đái dầm ở trẻ
-Do yếu tố di truyền: Theo các nghiên cứu khoa học, nhiều trẻ mắc bệnh đái dầm do chịu ảnh hưởng của yếu tố di truyền từ gia đình. Trong gia đình, nếu có cha hoặc mẹ mắc chứng bệnh này thì có khoảng 40% đứa trẻ sinh ra sẽ bị bệnh đái dầm. Nếu cả cha và mẹ cùng mắc bệnh đái dầm thì nguy cơ bé mắc chứng bệnh này khá cao, khoảng 70-75%.
-Do trẻ gặp các vấn đề về sinh lý: Một số trẻ khi sinh ra bị dị tật bàng quang, bàng quang quá nhỏ nên chứa được ít nước tiểu hoặc cơ chóp bàng quang hoạt động và co bóp quá mức nên gây ra hiện tượng đái dầm ở trẻ. Một nguyên nhân gây bệnh dái dầm ở trẻ nữa là thiếu nội tiết tố kháng bài niệu về đêm. Ban đêm não sẽ sản sinh ra một loại hoóc môn tên là vasopressin, có tác dụng hấp thu lượng nước tiểu ở thận, làm giảm lượng nước tiểu ở cơ quan này. Nhờ hoạt động của loại hoóc môn này mà chúng ta có thể ngủ tới sáng mà không cần thức dậy đi vệ sinh. Tuy nhiên, vì một lí do nào đó mà lượng hoóc môn này bị suy giảm khiến cho lượng nước tiểu sản xuất ra nhiều khi ngủ, nên khả năng bé đái dầm rất cao.
-Một số trẻ bị rối loạn phản xạ thức giấc để đi tiểu do sự phối hợp giữa bàng quang và não chưa nhịp nhàng. Trẻ thường đái dầm khi ngủ rất say, bàng quang đầy nước nhưng không tạo được kích thích đủ mạnh để đánh thức bé dậy đi tiểu. Ngoài ra, một số trẻ do bị rối loạn giấc ngủ, ngủ mơ thấy mình đi tiểu ở ngoài nhưng lại không ý thức được mình đã đái dầm.
– Bị táo bón cũng là một trong những nguyên nhân gây bệnh đái dầm ở trẻ. Khi cơ quan trực tràng bị đầy, phân bị ép vào bàng quang khiến cho cơ quan này gửi nhầm tín hiệu tới não như khi bàng quang bị đầy. Mặt khác, trực tràng đầy phân cũng làm giảm dung tích chứa nước tiểu của bàng quang, trẻ không thể làm rỗng tối đa cơ quan này.
– Yếu tố tâm lý: Bệnh đái dầm nhiều khi là liên quan đến vấn đề cảm xúc như cha mẹ luôn bắt trẻ phải sạch sẽ, khô ráo khiến bản thân trẻ căng thẳng quá mức. Đây cũng là sự phản ứng lại của trẻ trước những áp đặt của bố mẹ, luôn bắt con cái phải nghe theo họ. Hoặc thời kì trẻ bắt đầu đi học mẫu giáo hay tiểu học, gặp những khó khăn, áp lực trong học hành. Ngoài ra do bố mẹ thiếu quan tâm, khuyến khích con cái, hoặc có những mong đợi, kì vọng quá sức đối với con khiến trẻ luôn trong trạng thái căng thẳng. Một yếu tố tâm lí nữa cũng khiến bệnh đái dầm ở trẻ thêm trầm trọng là khi trẻ đã bị đái dầm những người xung quanh lại chế giễu, trêu cười trẻ khiến trẻ càng xấu hổ, tự ti.