Chứng lồng ruột là một cấp cứu ngoại khoa nghiêm trọng ở trẻ nhỏ. Lồng ruột xảy ra khi có một đoạn ruột không ở vị trí bình thường mà lồng vào một đoạn ruột kế cận. Dưới đây là những nguyên nhân gây bệnh lồng ruột ở trẻ em.
Bệnh lồng ruột ở trẻ em là gì?
Lồng ruột là một rối loạn nghiêm trọng, bệnh xảy ra khi một phần của ruột (hoặc ruột non hoặc ruột kết) bị trượt vào một phần khác của ruột. Tình trạng này sẽ ngăn thức ăn hoặc chất lỏng đi qua ruột. Đồng thời, chứng lồng ruột cũng cắt đứt nguồn cung cấp máu cho một phần ruột bị ảnh hưởng.
Lồng ruột là nguyên nhân phổ biến dẫn đến hiện tượng tắc nghẽn đường ruột ở trẻ em. Hầu hết các trường hợp lồng ruột ở trẻ em đều không có nguyên nhân cụ thể có thể chứng minh. Nếu được phát hiện kịp thời, lồng ruột có thể được điều trị thành công mà không gặp phải vấn đề lâu dài.
Nguyên nhân gây bệnh lồng ruột ở trẻ em
Cho đến nay, có tới 90% các ca lồng ruột không được xác định rõ nguyên nhân. Một số trường hợp được cho là do có các khối u, poluýp của ruột. Những yếu tố này có thể làm thay đổi nhu động ruột, dẫn đến việc các đoạn ruột lồng vào nhau. Tình trạng viêm nhiễm của ruột cũng là một tác nhân gây ra chứng lồng ruột.
Trong một số nghiên cứu, người ta nhận thấy tỷ lệ lồng ruột khá cao xảy ra những trẻ bị nhiễm Rotavirus, loại virut này thường gây nôn, tiêu chảy cấp ở trẻ. Các yếu tố như tiêu chảy kéo dài, sẹo tổn thương ở ruột, dính ruột… cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh lồng ruột ở trẻ em mặc dù chưa được chứng minh rõ ràng. Những bất thường về giải phẫu ở ruột hoặc tiền sử đã bị lồng ruột và các trẻ em nam cũng được xem là những yếu tố nguy cơ cao dẫn tới lồng ruột.
Cách điều trị bệnh lồng ruột ở trẻ em
Nếu nghi ngờ trẻ bị lồng ruột, bác sỹ sẽ chỉ định chụp X quang hoặc siêu âm để xác nhận chẩn đoán.
Khi trẻ đã được chẩn đoán mắc chứng lồng ruột thì sẽ cần can thiệp y khoa để đưa ruột trở lại với vị trí bình thường bằng biện pháp thụt rửa ruột. Quá trình này diễn ra khá nhanh và an toàn, tuy nhiên trẻ có thể sẽ cảm thấy hơi đau quặn và không thoải mái.
Bệnh lồng ruột đôi khi có thể tái phát ngay cả khi đã được điều trị, vì vậy trẻ cần phải lưu lại bệnh viện để được theo dõi trong vòng 1 đến 2 ngày. Sau đó trẻ có thể xuất viện khi đã ăn uống và đại tiện bình thường trở lại.
Lồng ruột là căn bệnh nguy hiểm đối với trẻ nhưng một khi được phát hiện và điều trị sớm thì tỷ lệ hồi phục gần như là 100%.
Trên đây là những thông tin về cách điều trị và nguyên nhân gây bệnh lồng ruột ở trẻ em rất hữu ích cho các cha mẹ, giúp các bậc phụ huynh chăm sóc và bảo vệ sức khỏe bé yêu được tốt hơn.