Vàng da là một tình trạng thường gặp ở trẻ sơ sinh. Chứng vàng da sơ sinh là do tăng lượng bilirubin gián tiếp. Theo đó, trẻ sơ sinh có thể mắc vàng da sinh lý hoặc vàng da bệnh lý. Tuy nhiên, hiện tại không có nhiều phụ huynh hiểu rõ về những nguyên nhân gây bệnh vàng da ở trẻ em cũng như biểu hiện cụ thể của chứng bệnh này.
Dấu hiệu nhận biết bệnh vàng da ở trẻ em

Như đã nói, tình trạng vàng da có thể được chia làm hai dạng, vàng da sinh lý và vàng da bệnh lý. Trẻ bị vàng da sinh lý có thể tự khỏi nếu mẹ biết chăm bé đúng cách. Trẻ bị vàng da bệnh lý, vàng da nhân cần điều trị kịp thời, nếu không có thể bị di chứng thần kinh hoặc tử vong. Không nắm rõ các dấu hiệu nhận biết bệnh vàng da ở trẻ em sẽ rất khó để xác định chứng vàng da là bệnh lý hay sinh lý.
Bệnh vàng da rất dễ nhận biết bằng mắt thường ở nơi có đủ ánh sáng. Các dấu hiệu nhận viết bệnh vàng da ở trẻ em có thể chia thành 2 mức độ sau:
Ở thể nhẹ: Da trẻ hơi vàng ở mặt, thân mình, trẻ vẫn bú tốt, triệu chứng vàng da xuất hiện muộn thường là sau ngày thứ ba sau khi sinh.
Ở thể nặng: Da trẻ có màu vàng sậm, lan xuống tay, chân; trẻ bú kém, bỏ bú; triệu chứng vàng da xuất hiện sớm, trong vòng 1-2 ngày sau sinh. Thường thì những trẻ sinh non, sinh ngạt hoặc bị nhiễm trùng dễ mắc chứng vàng da nặng.
Nguyên nhân gây bệnh vàng da ở trẻ em
Hiện tượng vàng da ở trẻ sơ sinh là do sự phá hủy của hồng cầu sớm ngay sau sinh gây nên. Quá trình này này tạo ra tình trạng dư thừa sắc tố bilirubin trong máu dẫn đến việc làm cho da em bé đổi sang màu vàng. Chứng vàng da ở trẻ sơ sinh sẽ mất dần khi gan bé bài tiết bilirubin và cân bằng được thành phần này trong máu. Thời điểm gan hoàn thiện thường là sau khi bé được khoảng 1 tuần đến 10 ngày tuổi.
Ngoài việc dư thừa sắc tố bilirubin thì một nguyên nhân nữa cũng dẫn đến hiện tượng vàng da cho trẻ, đó là nhóm máu không tương thích giữa mẹ và con. Tình trạng này có nghĩa là mẹ có nhóm máu Rhesus âm trong khi con lại là nhóm Rhesus dương. Hiện tượng vàng da của trẻ sơ sinh có nguyên nhân từ sự khác nhóm máu giữa mẹ và con khá nghiêm trọng, thường được chẩn đoán từ trước khi sinh và cần có sự can thiệp phù hợp.
Bên cạnh hai nguyên nhân trên, chứng vàng da ở trẻ cũng có thể do nguyên nhân khác từ bệnh viêm gan và hẹp ống dẫn mật. Tình trạng này là do ống dẫn mật phát triển lệch đi so với ống dẫn mật bình thường.
Như vậy, có tới 3 nguyên nhân gây bệnh vàng da ở trẻ em. Thông thường đối với đa số trẻ sơ sinh, chứng vàng da không cần thiết phải điều trị và tự nhiên sẽ biến mất trong vòng một tuần sau khi xuất hiện. Tuy nhiên, khi cha mẹ nhận thấy việc bị vàng da ở trẻ không phải là hiện tượng thông thường mà mang màu sắc bệnh lý thì nên cho trẻ đi kiểm tra để xác định nguyên nhân cụ thể của bệnh.