Táo bón là bệnh thường gặp ở trẻ em. Trẻ bị táo bón có thể sẽ kéo dài vài ngày rồi tự khỏi. Tuy nhiên, bệnh nếu kéo dài sẽ rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa và đường ruột của trẻ. Dưới đây là một số nguyên nhân gây ra bệnh táo bón ở trẻ em mà cha mẹ cần biết.
Táo bón là gì?
Táo bón là sự đào thải phân khô cứng ra ngoài và có cảm giác đau khi thải phân. Đây là một hiện tượng thường gặp ở trẻ em. Theo thống kê, có khoảng 3-5% trẻ đến khám tại bác sĩ nhi khoa và 35% trẻ đến khám ở các bác sĩ nhi khoa tiêu hoá là khám về chứng táo bón. Bệnh có thể có nguồn gốc thực thể như bệnh phình đại tràng, hẹp hậu môn, nứt hậu môn, thuốc hay mất nước hay bệnh về thần kinh cơ hay chức năng như không chịu đi đại tiện.
Nguyên nhân gây ra bệnh táo bón ở trẻ em
Nguyên nhân gây ra bệnh táo bón ở trẻ em thường liên quan đến hoạt động của hệ tiêu hóa. Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp được nhiều bác sĩ ghi nhận:
– Bé ăn sữa công thức: Các bé ăn sữa công thức thường hay bị táo bón hơn những bé bú mẹ bởi tỷ lệ đạm và chất béo có trong sữa mẹ rất hài hòa và tối ưu cho hệ tiêu hóa, giúp phân của bé mềm và dễ thải ra ngoài, thậm chí ngay cả trong trường hợp cách nhiều ngày bé mới ị một lần. Đối với những bé uống sữa công thức, tỷ lệ các chất chưa hài hòa theo khả năng của cơ thể bé nên gây ra hiện tượng táo bón.
– Bé bắt đầu ăn dặm: Những ngày đầu mới ăn dặm, các bé thường có triệu chứng táo bón nhẹ do lượng thức ăn của bé trong giai đoạn này chủ yếu là cháo mịn nên sẽ ít chất xơ.
– Bé uống ít nước: Đối với các bé từ 6 tháng tuổi trở lên, nếu uống ít nước sẽ dẫn đến tình trạng cơ thể bị thiếu nước. Khi cơ thể bé thiếu nước, thì có thể nó sẽ lấy nước từ lượng nước còn thừa ở chất thải ở ruột già sau quá trình tiêu hóa. Điều này làm cho phân của bé trở nên cứng và khô, chắc chắn sẽ gây ra tình trạng khó khăn khi đi ngoài.
– Do tình trạng bệnh lý tiềm ẩn: Nếu như bé liên tục gặp tình trạng táo bón nặng như phân khô cứng, đi ngoài chảy máu, khó khăn khi rặn thì đây cũng có thể dấu hiệu của một bệnh lý tiềm ẩn nào đó trong cơ thể bé. Lúc này, cha mẹ cần tham khảo ý kiến bác sĩ để kịp thời phát hiện và điều trị bệnh cho con.