Nếu thấy bé có biểu hiện sốt, sổ mũi, đau họng… sau đó xuất hiện mụn nước ở khoang miệng, tay, chân các mẹ chớ nên coi thường vì có thể bé đã bị bệnh tay chân miệng. Vậy nguyên nhân bệnh tay chân miệng ở trẻ em là gì? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây để có cách điều trị và phòng tránh bệnh cho bé tốt nhất nhé.
Trẻ mắc bệnh tay chân miệng là do đâu?
“Thủ phạm” chính gây ra bệnh tay chân miệng ở trẻ em là virus thuộc nhóm enterovirus A, phổ biến nhất là: Coxsackievirus, A6, A10, A16 và enterovirus 71. Trước tiên, loại virus nguy hiểm này sẽ tấn công các mô bên trong miệng, gần amidan, xuống đến hệ tiêu hóa. Sau đó chúng lây lan vào các hạch bạch huyết lân cận (tuyến) và thông qua máu truyền khắp cơ thể gây ra tổn thương ở da và niêm mạc.
Đây là bệnh xảy ra quanh năm, thường gặp nhiều nhất ở trẻ dưới 3 tuổi đặc biệt những bé có sức đề kháng yếu.

Đường lây truyền: Bệnh tay chân miệng có khả năng lây lan rất nhanh qua đường miệng từ trẻ này sang trẻ khác. Trẻ lành bị nhiễm bệnh do nuốt phải nước bọt của trẻ bị bệnh văng ra trong lúc ho, hắt hơi hoặc do cầm đồ chơi, chạm vào sàn nhà bị dính nước bọt, chất tiết mũi họng của trẻ bệnh.
Xem thêm: Dấu hiệu nhận biết bệnh chân tay miệng ở trẻ em
Bệnh tay chân miệng có xảy ra biến chứng?

Tay chân miệng là bệnh nguy hiểm nếu không có biện pháp điều trị kịp thời, nó sẽ dẫn đến các biến chứng gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của trẻ như: Viêm cơ tim, phù phổi cấp hay viêm màng não… thậm chí các biến chứng có thể kết hợp với nhau, xảy ra trong cùng một người bệnh. Đây là biến chứng gây tử vong cao và diễn biến rất nhanh, có thể trong 24 giờ nên nếu phát hiện thấy bé có biểu hiện bất thường cần đưa ngay đến bệnh viện để được điều trị kịp thời.
Cách phòng bệnh tay chân miệng ở trẻ em
Bệnh tay chân miệng được coi là một trong số các bệnh nguy hiểm hiện nay vì chưa có thuốc đặc trị cũng như chưa có vắc xin phòng ngừa trong khi bệnh dễ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Vì thế, cách tốt nhất là các mẹ nên có biện pháp phòng bệnh cho bé ngay từ đầu:

– Vệ sinh sạch sẽ, thường xuyên rửa tay cho bé nhất là trước khi ăn và sau khi bé đi vệ sinh.
– Các dụng cụ, đồ chơi, sàn nhà phải được lau rửa sạch, thường xuyên
– Bổ sung dinh dưỡng cho trẻ để tăng cường sức đề kháng, phòng chống vi khuẩn gây bệnh
– Tuyệt đối không để bé tiếp xúc với trẻ đang mắc bệnh tay chân miệng.
Bài viết trên đã cung cấp cho các mẹ nguyên nhân gây ra bệnh tay chân miệng ở trẻ em. Việc nắm rõ nguyên nhân sẽ giúp bạn có biện pháp phòng tránh bệnh cho bé tốt nhất, đặc biệt khi tiết trời đang vào hè – môi trường thuận lợi để bệnh bùng phát, vì vậy hãy chăm sóc bé thật tốt đừng để virus có cơ hội tấn công trẻ.