Bệnh u máu là một bệnh lý bẩm sinh lành tính, thường gặp ở trẻ em và trẻ sơ sinh. Đây là tình trạng phát sinh khối u do sự tăng sinh quá mức của mạch máu. Về cơ bản, đây là bệnh lành tính, không di căn, không tái phát nếu được điều trị đúng và không gây tử vong. U máu là một bệnh bẩm sinh nên nguyên nhân gây ra bệnh u máu ở trẻ em vẫn đang là một thắc mắc lớn với nhiều người.
Nguyên nhân gây ra bệnh u máu ở trẻ em

Hiện nay, chúng ta vẫn chưa có thông tin chính xác nguyên nhân gây ra bệnh u máu ở trẻ em. Tuy nhiên, có thể chia các u máu thành hai loại sau:
Khối u máu ở trẻ nhỏ (Infantile hemangioma): những u này thường xuất hiện khi bé được vài tuần đến vài tháng tuổi dưới dạng một vết đỏ như nốt ruồi son, phát triển lớn dần đến khoảng được 6 tháng tuổi thì dừng lại, duy trì như vậy từ 6 tháng đến 2 tuổi, sau đó thoái hoá dần và đến 6 tuổi thì hoàn toàn biến mất.
Khối u máu bẩm sinh (congenital hemangioma):
– Những u này xuất hiện từ trong bào thai, do đó khi sinh ra là đã thấy có, người ta chia các u này thành 2 dạng:
+ Dạng thoái triển (Rapid Involuting Congenital Hemangioma) gọi tắt là RICH: một khối màu đỏ tía lớn nhỏ tuỳ trường hợp, và tiến triển cũng giống như loại bướu máu trẻ nhỏ.
+ Dạng không thoái triển (Non Involuting Congenital Hemangioma) gọi tắt là NICH: bướu phát triển lớn dần ở mức độ nào đó thì ngưng phát triển, và sẽ tồn tại mãi không thoái hoá.
Cá khối u máu có đặc điểm như một khối u thông thường nhưng chúng có điểm đặc trưng là chứa đầy mạch máu và máu. Khác với các khối u phần mềm khác, thường to lên và phát triển theo thời gian, u máu thì đa phần lành tính và tự khỏi. Về hình thái, u máu được chia làm 3 loại:
– U máu mao mạch: Xuất hiện như một vết son hay một mảng màu rượu chát trên cùng mặt phẳng với da bình thường, ấn xuống không mất màu.
– U máu dạng hang: Thường lớn, nhô khỏi mặt da. Trong đa số trường hợp, u lan rộng và xâm lấn mô dưới da, cơ và có thể làm biến dạng cơ thể. Loại u này có thể xuất hiện cả ở các cơ quan nội tạng hay trong não.
– U hỗn hợp: Thường gồm cả thể hang và mạch bạch huyết, gặp nhiều nhất ở tuyến mang tai, thương tổn nằm cả trong và dưới da.
U máu là u lành tính và có thể hết sau 1 thời gian, vì vậy các bậc cha mẹ không nên quá lo lắng khi con mình bị bệnh u máu.