Những bước đi chập chững đầu tiên của các bé yêu luôn là niềm mong đợi của các bậc cha mẹ. Tuy nhiên, hiện nay có một số bé chậm biết đi khiến cha mẹ vô cùng lo lắng. Vậy nguyên nhân trẻ chậm biết đi do đâu? Mời các bạn cùng tham khảo bài viết sau đây nhé!
Sự phát triển vận động của trẻ từ 1 tháng đến 36 tháng tuổi
Khi được 1 tháng tuổi bé biết đã biết xoay đầu. 2 tháng bé có thể ngóc được đầu lên và khi ngủ hai chân có thể duỗi được thoải mái. Bé 3 tháng khi nằm sấp chống được tay và có thể lật người được, tay cầm nắm được đồ vật và thích đưa lên miệng để ngậm. Bé 4 – 5 tháng biết trườn người về phía trước. Bé 6 tháng có thể ngồi dựa, khi nằm sấp đã lật xoay người được.
Bé 7 – 9 tháng đã có thể ngồi vững được, trườn bò nhanh, tay vịn vào giường, bàn, ghế để tự đứng và lần đi từng bước. Bé 10 – 12 tháng đã có thể lẫm chẫm đi từng bước một, đi lần những vật mà bé vịn vào. Bé được 12 – 18 tháng tuổi đã biết đi, vịn để leo cầu thang, trèo lên ghế. Bé 24 tháng tự lên xuống cầu thang mà không cần dắt, bé nhảy được trên một chân và biết đá bóng. Bé 3 tuổi biết chạy, vui đùa.
Những nguyên nhân trẻ chậm biết đi mà cha mẹ cần biết
– Trẻ chậm phát triển vận động: Theo qúa trình phát triển tự nhiên ở trẻ thì 3 tháng trẻ biết lẫy, 7 tháng đã biết bò và 9 tháng trẻ lò dò biết đi. Tuy nhiên, một số trẻ lại không trải qua những bước phát triển này do khả năng vận động chậm. Nguyên nhân có thể do trẻ trải qua một thời gian ốm, dù chỉ là những căn bệnh ngắn ngày, không trầm trọng như bị viêm xoang, đau tai, họng hoặc mắc một số bệnh bẩm sinh như viêm màng não, dị tật di chứng não, vàng da, sang chấn, suy dinh dưỡng, sinh non,…
– Trẻ bị thừa cân cũng ảnh hưởng tới khả năng tập đi của trẻ: Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, những trẻ thừa cân sẽ chậm biết đi hơn so với những trẻ bình thường từ một tuần tới vài tháng. Nguyên nhân là do cơ chân của trẻ rất yếu ớt, không đủ khỏe để có thể di chuyển cơ thể và tập đi một cách dễ dàng. Ở những trẻ này, khả năng tự đứng của các bé rất kém, run rẩy và luôn phải có người giữ nếu không bé sẽ bị ngã.
– Trẻ không đủ điều kiện thể chất để tập đi như xương đùi, cơ bắp không cứng cáp, hệ thần kinh, não bộ phát triển không bình thường. Nếu tuy duy của bé phát triển bình thường mà lại chậm biết đi thì rất có thể bé bị thương tổn ở não. Bởi não là cơ quan điều khiển mọi hoạt động của cơ thể, nếu như não bị tổn thương thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc vận động của trẻ, dẫn tới chứng chậm biết đi.
– Trẻ bị dị tật xương chân, khớp, xương hông. Nếu trẻ đã qua 18 tháng tuổi mà vẫn chưa biết đi, cha mẹ cần nghĩ ngay đến nguyên nhân này. Bé có thể mắc bệnh về hệ thống thần kinh và cột sống sau khi sinh, hoặc do bẩm sinh nên ảnh hưởng tới khả năng giữ người được thăng bằng hoặc làm chân bị liệt khiến đứa trẻ không đi được bình thường. Vì bị dị tật nên khả năng di chuyển của trẻ kém hơn bình thường, trẻ không tập đi được.
– Một nguyên nhân trẻ chậm biết đi nữa là do yếu tố tâm lý. Ở một số trẻ tính cách nhút nhát, sợ bị té ngã nên tâm lý luôn e ngại, sợ sệt không dám bước đi. Trong trường hợp này cha mẹ nên dành nhiều thời gian cho con để động viên và khuyến khích trẻ tập đi.
– Nếu những nguyên nhân trẻ chậm biết đi đã nêu ở trên không biểu hiện ở bé mà bé lại chậm biết đi thì bạn nên nghĩ tới vấn đề thiếu vitamin D trong các chất dinh dưỡng. Vitamin D có vai trò quan trọng trong quá trình tạo xương của trẻ nhờ tác dụng chuyển hoá các chất vô cơ, chủ yếu là canxi và photpho. Vitamin D giúp làm tăng hấp thu canxi và photpho ở ruột, tăng tái hấp thu canxi ở cơ quan thận, tham gia vào canxi hoá sụn tăng trưởng. Do đó, sự phát triển bình thường hệ xương ở trẻ em không thể thiếu vitamin D. Khi thiếu vitamin D sẽ không đủ canxi và photpho để ruột hấp thu khiến canxi trong máu giảm. Canxi sẽ bị huy động từ xương ra để nồng độ canxi trong máu được ổn định, nên gây ra chứng còi xương ở trẻ em, làm trẻ chậm biết đi, chậm lớn, chân bị vòng kiềng. Chính vì vậy cha mẹ nên bổ sung những thực phẩm giàu vitamin D trong bữa ăn của bé.