Cảm lạnh là bệnh thường gặp ở trẻ em. Hầu hết trẻ nhỏ đều trải qua bệnh cảm lạnh ít nhất một vài lần bởi hệ hô hấp của bé vẫn còn yếu, dễ bị tổn thương bởi các tác nhân thời tiết. Vì vậy, cha mẹ cần có kiến thức về nguyên nhân và cách phòng tránh bệnh cảm lạnh cho trẻ em để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe con yêu được tốt nhất.
Nếu con yêu của bạn bắt đầu xuất hiện những triệu chứng như sổ mũi, nghẹt mũi hoặc hắt hơi liên tục thì có thể bé đã bị cảm lạnh. Hãy cùng tìm hiểu những nguyên nhân và cách phòng tránh bệnh cảm lạnh cho trẻ em dưới đây.
1. Nguyên nhân gây bệnh cảm lạnh ở trẻ em
Cảm lạnh là tên gọi chung của một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp gây ra bởi một loại vi-rút có tên gọi là virus rhino (bắt nguồn từ “rhin” trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là mũi). Loại siêu vi trùng này bám vào bụi nước trong không khí và con người rất dễ hít phải. Hơn 100 loại virus rhino khác nhau có thể thâm nhập vào niêm mạc ở mũi và họng, kích thích một phản ứng miễn dịch gây sưng họng, đau đầu và khó thở.
Trẻ em là độ tuổi dễ bị cảm lạnh bởi hệ miễn dịch của bé chưa được hoàn thiện. Trẻ bị cảm lạnh có thể nguyên nhân xuất phát từ việc bé hít phải loại virus này trong không khí, hoặc bị lây từ một người bệnh khác ho và hắt hơi. Hoặc cũng có thể do bé chạm tay lên bề mặt bị nhiễm virus và sau đó đưa lên miệng hoặc mũi thì cũng sẽ bị cảm lạnh. Trong độ tuổi phát triển, bé luôn tự tìm tòi và tò mò khám phá mọi thứ xung quanh bằng cách sờ tay vào mọi vật nên nguy cơ nhiễm virus cảm lạnh là rất cao.
2. Cách phòng tránh bệnh cảm lạnh ở trẻ em
Cảm lạnh là bệnh có khả năng truyền nhiễm rất cao, các mẹ có thể phòng tránh và giảm thiểu tối đa nguy cơ tiếp xúc với nguồn bệnh cho bé bằng một số biện pháp sau:
– Ổn định thân nhiệt cho bé bằng cách thường xuyên kiểm tra chân tay. Mẹ nên giữ ấm cho bé nếu bé bị lạnh chân tay. Ngược lại nếu bé bị nóng thì mẹ nên cởi bớt quần áo và lau mồ hôi ở cổ và sống lưng cho bé. Bên cạnh đó, mẹ nên điều chỉnh lại nhiệt độ bên trong phòng ngủ để phòng tránh bệnh cảm cúm cho bé.
– Hạn chế đưa bé đến những nơi đông người vì đây là những nơi tập trung nhiều vi khuẩn.
– Tạo không gian trong lành cho bé, nên đưa bé đi dạo vào buổi sáng để bé được hít thở không khí trong lành.
– Thường xuyên vệ sinh và rửa tay sạch sẽ cho bé mỗi ngày.
– Cha mẹ hoặc người thân trước khi ẵm bồng em bé cũng nên rửa sạch tay.
– Sau khi đi làm về, mẹ cần thay quần áo, rửa tay và vệ sinh hai đầu núm vú thật sạch trước khi cho bé bú để tránh vi khuẩn bên ngoài lây sang bé.
– Cách ly bé với người đang bị bệnh cảm lạnh
– Nên nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu cho đến 24 tháng tuổi.
Những thông tin trên đây sẽ giúp cho các phụ huynh có thêm hiểu biết về nguyên nhân và cách phòng bệnh cảm lạnh cho trẻ em. Qua đó, cha mẹ sẽ có những biện pháp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho con yêu một cách hợp lý, giảm thiểu tối đa việc lây nhiễm virus gây bệnh cảm lạnh cho các bé.