Bệnh thấp tim ở trẻ em là bệnh thường gặp với trẻ lứa tuổi 5 -15 tuổi. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây suy tim, phù phổi có khả năng đe dọa đến tính mạng bé bất cứ lúc nào.
Bệnh thấp tim là gì?
Thấp tim còn gọi là thấp khớp hoặc sốt thấp khớp là một bệnh viêm cấp tính có tính chất toàn thân. Bệnh xảy ra sau một hay nhiều đợt viêm họng, viêm xoang, viêm amidan do liên cầu beta tan huyết nhóm A gây nên ở trẻ.
Đây là một bệnh vô cùng nguy hiểm, nếu không được điều trị kịp thời có thể sẽ gây đột quỵ, tổn thương vĩnh viễn cho tim thậm chí là tử vong.
Bệnh thấp tim vẫn còn phổ biến ở những khu vực như vùng châu Phi hạ Saharra, Trung Nam Á… Ở Việt Nam, tỷ lệ thấp tim ở trẻ em dưới 16 tuổi là 0,45%.
Triệu chứng lâm sàng của bệnh thấp tim

- Viêm họng: Thường gặp trước đó 1 – 2 tuần. Trẻ có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao, ho, đau ngực, toàn thân mệt mỏi, chán ăn…
- Viêm cơ tim: Với triệu chứng nhịp tim nhanh, ở mỏm tim xuất hiện tiếng lạ như tiếng ngựa phi.
- Viêm màng ngoài tim: Tiếng tim mờ, không rõ, có thể nghe thấy tiếng cọ màng tim.
- Viêm khớp: Thường gặp ở các khớp gối, cổ chân, khuỷu tay..gây đau đớn khi di chuyển. Những triệu chứng viêm khớp này nhanh khỏi, không điều trị cũng tự khỏi sau khoảng 4 tuần.
- Múa giật: Hiện tượng này gây ra do tổn thương thần kinh trung ương. Trẻ sẽ có những động tác lạ, đột ngột ở hai chi. Những động tác này tăng lên khi thức và giảm đi khi ngủ hoặc khi trẻ tập trung vào 1 việc nào đó. Múa giật thường hết sau 4 – 6 tuần.
- Hồng bao vòng: Lưng, mạn sườn hoặc ở gốc chi sẽ xuất hiện những vòng ban hồng xếp thành quầng có đường kính viền 1 -2 mm. Hồng ban vòng sẽ mất đi sau vài ngày.
- Hạt Meynet: Ở trẻ bị tim thấp sẽ xuất hiện những hạt nổi dưới da có đường kính khoảng 5 -10 mm, dính trên nền xương khuỷu, gối… Những hạt nổi này không mang đến cảm giác đau và sẽ mất đi sau vài tuần.
- Suy tim: Đối với trường hợp bị thấp tim nặng, trẻ sẽ khó thở, ho khan, tĩnh mạch cổ nổi, phù, to gan…
Nguyên nhân gây ra thấp tim ở trẻ là gì?

Nguyên nhân gây ra thấp tim ở trẻ phần lớn là do nhiễm liên cầu khuẩn tan nhóm A đường hô hấp trên. Tuy nhiên, liên cầu khuẩn không trực tiếp gây bệnh mà thông qua hệ miễn dịch của bé. Thường sau khoảng 3 tuần bị viêm đường hô hấp trên (viêm họng, viêm xoang, viêm amidan..) mới có biểu hiện của bệnh thấp tim.
Bệnh thấp tim ít xảy ra với trẻ dưới 5 tuổi vì lứa tuổi này hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên phản ứng chéo của cơ thể chưa đủ hiệu lực gây ra thấp tim.
Có khoảng 3% bệnh nhân bị viêm đường hô hấp do liên cầu khuẩn nhóm A không điều trị triệt để sẽ tiến triển thành thấp tim. Khoảng 50% bệnh nhân thấp tim bị tái phát bệnh.
Nhiễm liên cầu khuẩn ngoài ra ít gây nên bệnh thấp tim ở trẻ.
Với một vài kiến thức trên đây, hy vọng ba mẹ sẽ có biện pháp phòng tránh để bé không mắc phải bệnh thấp tim đáng lo ngại.