Sốt xuất huyết ở trẻ đã và đang trở thành mối lo của các bậc phụ huynh bởi lẽ, số ca tử vong do căn bệnh này cứ tăng lên theo mỗi năm. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin cần thiết nhất, giúp mẹ kịp thời xử trí sốt xuất huyết ở trẻ.
Nguyên nhân sốt xuất huyết ở trẻ
Sốt xuất huyết lây do muỗi vằn hút máu truyền virus Dengue từ người bệnh sang người lành. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vắc xin phòng ngừa sốt xuất huyết.
Do thân nhiệt của trẻ thường cao hơn người lớn, nhịp thở của trẻ cũng cao, trẻ ra nhiều mồ hôi hơn, khiến muỗi dễ phát hiện và đốt. Bên cạnh đó, trẻ chưa có ý thức phòng muỗi đốt nên dễ dàng bị muỗi đốt. Khi bị muỗi tấn công, sức đề kháng của trẻ còn non yếu nên dễ bị mắc bệnh hơn người trưởng thành.
Cách nhận biết sốt xuất huyết ở trẻ
Trẻ sốt xuất huyết thường có biểu hiện sốt cao liên tục và đột ngột trên 38oC, kèm theo các triệu chứng bệnh điển hình như quấy khóc, bỏ bú, biếng ăn, buồn nôn, nôn trớ, mệt mỏi, chảy máu chân răng, xuất hiện những đốm đỏ ở dưới chân lông.
Để không nhầm lẫn sốt xuất huyết với các loại bệnh khác, mẹ có thể dùng 2 ngón tay căng vùng da phát ban. Nếu thấy chấm đỏ mất đi, buông tay ra thì chấm đỏ hồi phục ngay là sốt phát ban. Còn nếu vẫn thấy chấm li ti hoặc sau 2 giây màu đỏ mới xuất hiện lại là sốt xuất huyết.
Các bé lớn hơn có thể cho các mẹ biết con bị nhức đầu, đau hốc mắt, đau nhức khắp các cơ và khớp. Ngoài ra, có trẻ còn bị xuất huyết đường tiêu hoá, đi ngoài ra máu.
Từ ngày thứ 3-7 của bệnh, một số trẻ có thể xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo như lừ đừ, mệt mỏi, nôn nhiều, phù nề vùng ổ mắt, đau bụng, chảy máu mũi, đi tiểu ra máu. Một số trường hợp diễn biến đến sốc sốt xuất huyết với biểu hiện chân tay lạnh, mạch nhanh nhẹ, huyết áp kẹp không đo được. Những trường hợp như vậy đều phải nhập viện cấp cứu ngay, tránh tình trạng xuất huyết nghiêm trọng và truỵ mạch rất dễ khiến trẻ tử vong.
Cách phòng bệnh sốt xuất huyết ở trẻ
- Cho trẻ ngủ mùng.
- Không cho trẻ vui chơi gần những ao tù nước đọng, nhiều bụi cây, tối tăm ẩm thấp, đặc biệt là vào sáng sớm và khi trời tối.
- Khi vui chơi ngoài trời, trẻ cần được mặc quần dài và áo dài tay.
- Sử dụng nhang muỗi, bình diệt muỗi để xua muỗi.
- Thường xuyên quét dọn và giữ gìn vệ sinh nhà cửa, nhất là những vị trí mà muỗi hay trú ngụ như gầm giường/bàn/tủ/trạn, kệ sách…
- Cách ly trẻ khỏi người mắc bệnh sốt xuất huyết.
- Đậy kín các dụng cụ chứa nước để muỗi không có nơi đẻ trứng.
- Dọn dẹp, tiêu huỷ các vật dụng phế thải trong nhà để muỗi không có nơi trú ẩn.
- Cần hợp tác tích cực với cán bộ y tế địa phương trong việc phun thuốc muỗi để dập dịch sốt xuất huyết.
Chăm sóc và điều trị trẻ sốt xuất huyết tại nhà
Khi sốt, trẻ dễ bị mất nước, vì vậy mẹ nên chú ý cho trẻ uống thật nhiều nước, nước ép trái cây và bổ sung chất điện giải bằng cách uống dung dịch oresol.
Cần lau mát cơ thể cho bé, khi lau mát nên chú ý lau bằng nước ấm ở các kẽ nách, háng. Lau nhanh ở ngực, lưng vì hai nơi này dễ dẫn đến viêm phổi.
Nếu thân nhiệt của trẻ vẫn không hạ, mẹ nên cho con uống thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của bác sĩ. Tuyệt đối không dùng thuốc aspirin hoặc biệt dược có chứa aspirin hoặc ibuprofen để hạ nhiệt cho trẻ, vì chúng có thể gây viêm dạ dày, giảm kết tụ tiểu cầu làm xuất huyết nặng thêm và gây ra hội chứng reye ở trẻ.
Cho trẻ ăn những thức ăn lỏng, giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa như cháo, súp, sữa và nên chia thành nhiều bữa nhỏ. Với trẻ đang bú mẹ, cần tăng thời gian và số lần cho bú.
Trẻ cần được cung cấp thêm các vitamin nhóm A, B, C để tăng cường hoạt động chuyển hóa cho cơ thể và tăng cường miễn dịch, sức đề kháng cho cơ thể chống lại bệnh tật.
Đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa uy tín
Thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh sốt xuất huyết thường diễn ra từ ngày thứ 3 đến hết ngày thứ 6, trẻ có thể trở nặng và sốc dẫn đến tử vong nhanh chóng. Do đó, phải theo dõi sát sao, phát hiện sớm dấu hiệu bệnh trở nặng để cho trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa uy tín cấp cứu kịp thời.
Lưu ý, không cho trẻ sốt xuất huyết truyền dịch tại các phòng khám tư hoặc cơ sở y tế không đủ điều kiện nhằm tránh những sự cố ngoài ý muốn.