Trẻ nhỏ có hệ miễn dịch mỏng manh, dễ bị ảnh hưởng khi có những tác động từ phía bên ngoài như thời tiết, bầu không khí, các loại virus, vi khuẩn … Các bậc phụ huynh không nên bỏ qua những dấu hiệu sau đây để nắm bắt tình trạng sức khỏe của con và có biện pháp xử lý đúng lúc. Dị ứng ở trẻ tuy không phải là vấn đề phức tạp, song cũng khiến trẻ khó chịu, giảm chất lượng cuộc sống, thậm chí nếu không xử lý sớm có thể dẫn đến những trường hợp đáng tiếc.
Dị ứng ở trẻ có thể biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, nếu như cha mẹ chủ quan không đưa trẻ đi gặp bác sỹ để được thăm khám và chẩn đoán chính xác thì rất dễ bị sử dụng nhầm thuốc, điều trị sai cách, dẫn đến hậu quả tồi tệ hơn. Dưới đây là một số dấu hiệu của bệnh dị ứng ở trẻ mà các bậc phụ huynh cần nắm được để theo dõi tình hình sức khỏe của con:
1. Nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi

Nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi là hiện tượng phổ biến thường gặp ở trẻ nhỏ. Đây có thể là dấu hiệu em bé đang bị cảm lạnh, nếu vậy thì bạn không cần phải lo lắng quá nhiều. Nhưng vẫn cần phải theo dõi xem trẻ chảy nước mũi có nhiều hơn bình thường và có thở bằng miệng không, trông trẻ có bị khó chịu không. Nếu chúng thở bằng miệng và khó chịu bứt rứt thì đó là dấu hiệu của dị ứng và bạn nên đưa trẻ đến gặp bác sỹ để thăm khám tình hình.
2. Ho khan

Thông thường, trẻ ho do viêm đường hô hấp, trong họng có đờm. Nhưng nếu trẻ ho khan liên tục, không phải do bị viêm, bị đờm trong cổ họng thì đó có thể bé đã bị dị ứng. Bạn nên đưa con đến các bác sĩ nhi để kiểm tra, để biết chính xác nguyên nhân gây ho và có hướng điều trị đúng. Các phụ huynh không nên tự ý cho con uống thuốc nếu không có chỉ định của bác sĩ.
3. Nổi mề đay

Khi trên người bé nổi những đám sần đỏ, đó có thể là do cơ thể bé phản ứng lai với dị ứng. Có thể là do một loại thức ăn nào đó không phù hợp, hoặc bé bị nhiễm trùng, dị ứng thuốc hoặc do bị côn trùng cắn. Cần nói chuyện với bác sĩ của bạn để xem nguyên nhân là do đâu. Nếu là do thức ăn, bụi bẩn hoặc phấn hoa thì hãy cách xa con bạn khỏi chúng. Nếu nguyên nhân là do thuốc y tế thì hãy nhớ nhắc bác sĩ mỗi lần lấy thuốc để được thay thế bằng các loại thuốc khác an toàn hơn.
4. Phát ban

Trẻ rất dễ bị phát ban do dị ứng với một loại sữa tắm mới, hoặc nước giặt, bột giặt, cũng có thể là quần áo có nhiều bụi vải, …. Do làn da của bé rất mỏng manh, dễ bị tổn thương và dị ứng. Hầu hết các loại phát ban đều sẽ biến mất sau 2-3 ngày và bạn không cần phải bận tâm quá nhiều, chỉ cần thay đổi sữa tắm, nước giặt dịu nhẹ hơn, chú ý tắm gội thật kỹ bằng nước sạch cho bé sau khi thoa sữa tắm, dầu gội, cũng như lựa chọn quần áo bằng sợi vài cotton tự nhiên mềm mại, tình trạng phát ban sẽ chấm dứt. Nếu tình trạng kéo dài hơn nữa khiến bé bứt rứt khó chịu thì bạn cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để bé được kiểm tra kỹ càng.
5. Mắt đỏ

Ngoài nguyên nhân bị đau mắt, thường là mắt bé bị đỏ khi bụi vào mắt, khiến bé dụi mắt quá nhiều, hoặc nhiễm virus cũng chính là nguyên nhân chủ yếu gây ra màu mắt đỏ. Nhưng nó cũng có thể là do dị ứng. Mắt bé có thể đỏ và kèm theo dịch tiết, làm cho mắt bị gèn đóng chặt. Nếu mắt đỏ do dị ứng chứ không phải do virus thì nó không lây lan sang các thành viên khác trong gia đình. Em bé có thể bị ngứa ngáy khó chịu, kèm theo chảy nước mũi, ngoài ra chúng còn nhạy cảm với ánh sáng.
Khi thấy có những biểu hiện như vậy, bạn nên đưa bé đến gặp bác sĩ sẽ chuẩn đoán chính xác xem con bạn có phải dị ứng hay không? Nếu đúng thì bạn nên tìm ra nguyên nhân khiến trẻ bị dị ứng và phòng tránh. Hầu hết các nguyên nhân đều do bụi bẩn và phấn hoa.
6. Đau bụng, nôn mửa

Khi bé đau bụng, nôn mửa rất có thể là dấu hiệu cho thấy bé bị dị ứng với một loại thức ăn nào đó. Hoặc thức ăn bị nhiễm khuẩn khiến cơ thể bé phản ứng lại. Một số biểu hiện phổ biến của dị ứng thức ăn là đau bụng, nôn mửa, và thường kèm theo tiêu chảy, thậm chí có xuất hiện máu trong phân.
Hãy luôn quan sát tình trạng dị ứng. Mỗi khi cho con bạn ăn thử một loại thực phẩm mới mà bạn nghi ngờ chúng có thể gây nên dị ứng, thì hãy cho bé ăn từng chút một, và quan sát con bạn trong 2 tiếng sau đó. Nếu chúng không có biểu hiện gì mới cho bé ăn bình thường. Còn nếu có biểu hiện dị ứng thì thì dừng lại ngay và đưa bé đến cơ sở y tế để được kiểm tra.
7. Dị ứng không khí

Trong không khí chúng ta đang hít thở có thể chứa rất nhiều thứ có thể gây nên dị ứng ở em bé. Chúng bao gồm bụi bẩn, phấn hoa, mùi hoa cỏ, khói thuốc lá, hóa chất do khí thải … Tốt nhất, không nên đưa bé đến những nơi quá nhiều xe cộ, những nơi sản xuất có hóa chất độc hại, hoặc công trường xây dựng nhiều bụi bẩn, tránh cho bé đứng ở dưới gốc cây có nhiều hoa có mùi hương đậm đặc…. để tránh bé bị dị ứng vì những bầu không khí thiếu trong lành này.
8. Ngủ trằn trọc

Nhiều trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ khóc nhiều về đêm, mà nhiều người gọi là “khóc dạ đề”. Bé không ngủ ngon và khóc nhiều chắc chắn có một nguyên nhân nào đó khiến bé bứt rứt, khó chịu. Đó có thể do bé bị đau bụng, hoặc với những trẻ tầm 6-12 tháng thì là mọc răng. Nhưng nếu không tìm được nguyên nhân khiến con bạn khó chịu, trằn trọc và khóc nhiều vào ban đêm thì hãy đến kiểm tra với bác sĩ để xét nghiệm dị ứng, vì rất có thể bé bị dị ứng nên trằn trọc khó ngủ.
9. Đau và ngứa tai

Các biểu hiện dị ứng thông thường nhất đều thể quan sát qua các vấn đề ở da như là nổi mẩn đỏ, ngứa, phát ban, mề đay hoặc ho khan. Nhưng dị ứng cũng có thể ảnh hưởng đến tai của trẻ. Đau tai có thể là biểu hiện của bệnh viêm tai. Nhưng nếu bé liên tục bị đau tai, ngứa tai, ù tai, suy giảm thính giác, và có thể là chóng mặt… thì rất có thể bé đã bị dị ứng.
Trong các loại dị ứng thì dị ứng do thức ăn là nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng đến tai. Khi dị ứng ảnh hưởng đến tai, nó sẽ tạo nên một chất lỏng ở giữa tai. Nếu không có biện pháp làm chất lỏng mất đi đúng cách thì nó gây ra nhiễm trùng khiến bé bị đau và ù tai, suy giảm thính lực. Nếu các dấu hiệu dị ứng ở tai không được nhận biết sớm để xử lý thì có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc về thính giác, thậm chí là điếc. Vì vậy, khi bé bị đau và ù tai, cần đưa trẻ đến bệnh viện để được bác sỹ thăm khám, xử lý sớm.