Đau tăng trưởng là một hiện tượng khá phổ biến ở các trẻ trước tuổi đi học và trước tuổi dậy thì. Sau đây sẽ là những điều ba mẹ cần biết về hiện tượng này.

Thấy con thường xuyên kêu đau nhức xương, thậm chí nhiều lúc trẻ sẽ thức giấc giữa đêm vì đau đớn. Khi đó, nhiều ba mẹ thường cảm thấy vô cùng lo lắng, và phân vân không biết “Có phải con bị bệnh về xương khớp?”, hay “Bé có bị thiếu chất không? Có cần bổ sung canxi hay kẽm gì cho chắc xương không?”
Tuy nhiên, ba mẹ cũng đừng quá lo lắng, vì những cơn đau đó rất có thể chỉ là đau tăng trưởng và sẽ sớm qua đi. Những thông tin sau đây sẽ giúp ba mẹ hiểu hơn về hiện tượng này.
Hiện tượng đau tăng trưởng ở trẻ em là gì?
Đau tăng trưởng ở trẻ em là tình trạng dễ gặp, thường xuất hiện ở chân và sẽ tự khỏi mà không cần đến biện pháp điều trị y tế.
Độ tuổi thường xuất hiện:
- Trẻ trước tuổi đi học: 3-5 tuổi
- Trẻ trước tuổi dậy thì: 8-12 tuổi
Khoảng 10-35% trẻ em sẽ bị đau tăng trưởng ít nhất một lần. Hiện tượng này xảy ra ở cả bé trai và bé gái.
Nguyên nhân
Mặc dù có tên là đau tăng trưởng (growing pains) do thường xuất hiện vào lứa tuổi trẻ lớn nhanh, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy mối liên quan giữa cơn đau này với tốc độ tăng trưởng của trẻ.
Trước đây, vào khoảng những năm 1930 – 1940, người ta do rằng do tốc độ phát triển của xương nhanh so với các gân cơ gây nên cơn đau. Các hiểu biết hiện nay cho thấy điều này không đúng, tuy nhiên tên cũ vẫn được tiếp tục sử dụng.
Thực ra, đau tăng trưởng có thể đơn giản là cơn đau cơ xảy ra sau một ngày các cơ phải hoạt động nhiều. Các hoạt động này có thể là chạy, nhảy hay bơi lội. Trẻ thường không đau khi chơi, nhưng sẽ đau sau đó, khi các cơ thư giãn.
Dấu hiệu và triệu chứng
Dưới đây là một số dấu hiệu và triệu chứng của hiện tượng đau tăng trưởng ở trẻ em:
- Đau chân là chủ yếu, nếu có đau vị trí khác như nhức mỏi tay, hoặc đau bụng cũng thường kết hợp đau chân.
- Đau 2 bên, cảm giác đau không rõ ràng vị trí, thường mặt trước đùi, hoặc mặt sau bắp chân, gối mặt sau.
- Cơn đau có thể đến đột ngột, thường vào đêm tối, có thể nghiêm trọng khiến trẻ khóc, thức giấc. Thường giảm hoặc hết vào buổi sáng, một số ít trường hợp có thể than nhức vào ban ngày nhưng không nghiêm trọng, không ảnh hưởng đến những hoạt động bình thường của trẻ: đi đứng, vui chơi, chạy nhảy.
- Ban ngày bé hoạt động thể chất nhiều sẽ có thể làm tăng cơn đau về đêm.
- Thăm khám lâm sàng không phát hiện những điều bất thường ở các vị trí đau.
Biện pháp chữa trị đau tăng trưởng ở trẻ em
Hiện không có phương pháp điều trị cụ thể cho tình trạng đau tăng trưởng ở trẻ em. Song, những cơn đau này không gây ra những vấn đề khác và chúng không ảnh hưởng đến quá trình phát triển của trẻ. Tình trạng sẽ giảm nhẹ dần trong vòng một hoặc hai năm.

Tuy nhiên, ba mẹ có thể tham khảo một số cách sau để giúp con cảm thấy thoải mái hơn, bao gồm:
Massage chân cho bé: Đa phần trẻ nhỏ thường có phản ứng tích cực khi được massage nhẹ nhàng. Một số bé khác lại thích được ba mẹ ôm hoặc âu yếm để giảm bớt cơn đau. Do đó, ba mẹ hãy massage chân cho bé.
Chườm nóng: Nhiệt độ cao có thể giúp làm dịu cơn đau ở cơ bắp. Ba mẹ hãy chườm nóng cho bé trước khi đi ngủ hoặc khi con tỏ ra khó chịu do đau chân. Việc cho trẻ tắm nước ấm trước lúc lên giường cũng có thể giúp ích.
Tập luyện co giãn: Hãy khuyến khích bé thực hiện những động tác kéo căng các cơ ở chân vào ban ngày để giúp ngăn ngừa cơn đau vào ban đêm.
Dùng thuốc giảm đau: Nếu cơn đau không cải thiện, ba mẹ có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để sử dụng các thuốc làm giảm đau như ibuprofen. Không sử dụng aspirin cho trẻ.