Dịch bệnh tay chân miệng đang vô cùng phổ biến, là nỗi niềm lo lắng của các bậc phụ huynh. Hầu như năm nào ở Việt Nam cũng có dịch bệnh này. Bố mẹ cũng cần trang bị kiến thức đầy đủ về bệnh tay chân miệng để có biện pháp phòng bệnh cho con nhé.
Thực trạng bệnh tay chân miệng năm 2018
Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), chỉ trong 9 tháng đầu năm 2018 đã ghi nhận có 53.529 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó 6 trường hợp tử vong tại khu vực phía Nam.
Điển hình nhất phải kể đến trường hợp của tỉnh Quảng Ngãi. Cụ thể vào ngày 3/10, Sở Y tế Quảng Ngãi cho biết toàn tỉnh có trên 1.000 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng gần gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, một ổ bệnh tay chân miệng đã được phát hiện vào ngày 2/10 tại trường Mầm non Nghĩa Phú, thành phố Quảng Ngãi.
Và mới đây cũng đã phát hiện thêm 27 trường hợp trẻ ở Trường Mầm non Hồng Yến, phường Thạnh Xuân, quận 12 (Tp. Hồ Chí Minh) cũng vừa được xác định mắc dịch tay chân miệng.
Những điều chưa biết về bệnh tay chân miệng
Đây là những thông tin quan trọng bố mẹ cần biết để bảo vệ bé trước dịch bệnh
Chưa có vắc-xin phòng bệnh
Đây là một thông tin đáng buồn vì tính đến thời điểm hiện tại, y khoa thế giới vẫn chưa tìm ra được loại vắc-xin phòng bệnh tay chân miệng. Tuy nhiên, theo một báo cáo trên tạp chí y học The Lancet, các nhà khoa học Trung Quốc đã nghiên cứu và phát triển vắc xin Beijing Vigoo bảo vệ trẻ em trước căn bệnh này.
Tuy nhiên vắc-xin này vẫn chưa được đưa vào ứng dụng do chưa có nghiên cứu khoa học nào khẳng định tác dụng bảo vệ tuyệt đối của nó với cơ thể trẻ.
Bệnh có thể tái phát nhiều lần
Có rất nhiều cha mẹ cho rằng, con đã từng bị tay chân miệng rồi thì sẽ không bị lại nữa tuy nhiên đây là quan niệm không đúng.
Do bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên cho dù bị bệnh tay chân miệng rồi bé vẫn có thể tái phát nhiều lần nếu con tiếp xúc với người bị bệnh. Mức độ nguy hiểm tùy thuộc độc lực của siêu vi gây bệnh và cơ địa từng người.
Mỗi lần mắc bệnh trẻ đều có cùng biểu hiện là bị lở miệng, nổi nốt ở lòng bàn tay, bàn chân….
Sai lầm khi chăm sóc trẻ bị bệnh tay chân miệng
Nhiều bố mẹ thấy trẻ lở loét thì kiêng tắm gội nhưng nếu kiêng như vậy sẽ làm cho trẻ càng khó chịu hơn vì ngứa ngáy và có thể dẫn đến nhiễm trùng da. Ba mẹ vẫn có thể tắm cho con, nhưng lưu ý rằng khi tắm cho trẻ nên ở không gian phòng kín, không dùng xà phòng, tránh làm vỡ nốt phỏng để trẻ không bị lây lan. Sau khi tắm thì nên sử dụng thuốc bôi để sát khuẩn.
Bên cạnh đó, cũng nhiều mẹ lại kiêng ăn cho trẻ quá mức, như hạn chế đồ tanh khiến trẻ thiếu hụt dinh dưỡng, suy giảm sức đề kháng. Cha mẹ cần bổ sung cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng. Lưu ý thức ăn nên làm mềm thức ăn cứng dễ làm đau rát miệng. Không nên ép trẻ uống các loại nước quá chua hoặc quá nóng sẽ khiến trẻ đau họng thêm.
Một sai lầm tai hại khác đó là cha mẹ không cách ly cho trẻ, thậm chí còn cho con đến lớp chơi với trẻ khác khi con có dấu hiệu bệnh khiến bệnh lây lan rộng rãi, do virus gây bệnh tay chân miệng có thể lây nhiễm dễ dàng qua tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, nước mũi, họng, dịch từ mụn nước…
Phải làm gì khi con trẻ bị tay chân miệng?
Trước tiên, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám bệnh ngay khi bố mẹ nghi ngờ con bị bệnh chân tay miệng. Cần tái khám sau mỗi 1 – 2 ngày trong vòng 10 ngày đầu phát bệnh.
Trẻ bị sốt cần tái khám mỗi ngày cho đến khi hết sốt ít nhất trong 48 giờ. Tại bệnh viện, tùy vào mức độ bệnh, các bác sĩ sẽ có những chỉ định điều trị phù hợp để hạn chế các biến chứng nặng, đe dọa tính mạng của con.
Ngoài ra, trong quá trình chăm con, cha mẹ cũng cần đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho bé để đề phòng mất nước, hạ đường huyết. Trẻ bú mẹ cần tăng cường ăn sữa mẹ nhiều hơn.
Hi vọng với những thông tin bổ ích mà chúng tôi cung cấp trên đây sẽ trang bị thêm kiến thức bổ ích cho các bậc phụ huynh, giúp cha mẹ có những biện pháp phòng bệnh và giải pháp kịp thời khi con có dấu hiệu mang bệnh. Dịch bệnh tay chân miệng vô cùng nguy hiểm, vì sức đề kháng của con cũng còn non yếu nên cần được quan tâm chú ý nhiều hơn.
Bạn đang đọc bài viết: Những điều bố mẹ chưa biết về bệnh tay chân miệng ở bé