Tiêm vắc-xin 6 trong 1 sẽ giúp trẻ phòng chống 6 loại bệnh nguy hiểm như bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và các bệnh do vi khuẩn Hib gây ra. Đây là biện pháp ngừa bệnh hiệu quả mà cha mẹ nên làm để bảo vệ sức khỏe cho các bé yêu.
Vắc-xin 6 trong 1 là gì?
Vắc-xin 6 trong 1 mang tên INFANRIX HEXA là loại vắc-xin phối hợp dự phòng 6 bệnh nguy hiểm ở trẻ nhỏ. Tiêm vắc-xin này sẽ giúp giảm số mũi tiêm cho trẻ từ 9 xuống còn 3 mũi nếu được tiêm phòng ngay từ đầu.Tiêm vắc-xin 6 trong 1 phòng ngừa những bệnh sau: bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan siêu vi B và các bệnh do vi khuẩn Hacmophilus influenzac type b ( Hib) gây ra đặc biệt là viêm màng não mủ.
Lịch tiêm vắc-xin 6 trong 1 cho trẻ em
Lịch tiêm chủng vắc-xin 6 trong 1 cơ bản gồm 3 mũi 0,5ml. Tiêm khi trẻ được 2, 3, 4 tháng; 3, 4, 5 tháng và 2, 4, 6 tháng hoặc tiêm 2 mũi khi trẻ được 3 và 5 tháng. Mũi tiêm nên tiêm cách nhau tối thiểu là 1 tháng. Chỉ nên tiêm theo lịch của chương trình tiêm chủng mở rộng (vào thời điểm trẻ được 6, 10, 14 tuần) khi trẻ đã được tiêm vắc-xin viêm gan B 24 giờ sau sinh. Khi trẻ đã tiêm phòng viêm gan B sau khi sinh, có thể sử dụng vắc-xin Infanrix Hexa để thay thế cho liều vắc-xin viêm gan B bổ sung từ 6 tuần tuổi.
Tiêm mũi nhắc lại: Sau khi tiêm chủng 2 mũi lúc trẻ được 3 và 5 tháng bằng Infanrix Hexa, nên tiêm mũi nhắc lại cách mũi tiêm thứ 3 ít nhất là 6 tháng và tốt nhất là giữa 11 và 13 tháng tuổi. Sau khi tiêm chủng 3 mũi khi trẻ được 2, 3, 4 tháng; 3, 4, 5 tháng và 2, 4, 6 tháng bằng Infanrix Hexa, có thể tiêm mũi nhắc lại sau mũi 3 ít nhất là 6 tháng và tốt nhất là trước khi trẻ 18 tháng tuổi.
Những phản ứng phụ sau mũi tiêm 6 trong 1
Sau khi tiêm mũi 6 trong 1 các mẹ nên ngồi lại cơ sở tiêm khoảng 30 phút để theo dõi các phản ứng của trẻ. Khi đưa trẻ về nhà cha mẹ cũng cần lưu ý theo dõi sức khỏe của trẻ liên tục ngay cả khi trẻ ngủ trong vòng 1 ngày. Thông thường sau khi tiêm sẽ có những phản ứng như sốt, sưng đỏ vết tiêm hay quấy khóc. Lúc này mẹ nên cho bé uống nhiều nước hoặc bú nhiều hơn, cho trẻ mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, chườm mát cho trẻ bằng khăn ẩm không nên chườm đá hay nước lạnh. Có thể cho bé uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ. Nếu trẻ có các dấu hiệu bất thường sau tiêm phòng như: sốt cao 39-40 độ C, xuất hiện co giật, quấy khóc kéo dài, ngủ li bì, bỏ bú, khó thở, da tím tái… thì đưa ngay trẻ tới bệnh viện hoặc cơ sở y tế để điều trị kịp thời.
Cha mẹ cần lưu ý: Khi sức khỏe của trẻ không đảm bảo hoặc đang mắc các vấn đề như cảm lạnh, bị sốt, chàm da, phát ban,…thì không nên đưa con đi tiêm chủng. Ngoài ra trước khi đi tiêm cha mẹ nên mặc quần áo rộng rãi cho các bé để nhân viên y tế dễ dàng thao tác khám và tiêm phòng; nên đem theo sổ nhật kí tiêm chủng để tiện theo dõi và thông báo tiền sử dị ứng, tiền sử bệnh lí của con để các bác sĩ đưa ra tư vấn tiêm chủng phù hợp.