Chấn thương răng sữa là một tình trạng cấp cứu rất hay gặp ở khoa răng trẻ em. Dưới đây là những thông tin cần biết về hiện tượng trẻ bị chấn thương răng sữa.
Trẻ nào hay bị chấn thương răng?
Những trẻ dưới 3 tuổi, đặc biệt các trẻ hơn 1 tuổi là đối tượng dễ gặp phải chấn thương răng sữa hơn cả. Hiện tượng này thường xảy ra ở nhà hoặc ở nhà trẻ, trường học. Trong lúc trẻ đi, chạy, nô đùa có thể xảy ra các va đập hoặc ngã và làm răng bị chấn thương.
Các bé trai thường bị chấn thương nhiều hơn là bé gái vì hiếu động hơn. Chấn thương thường gặp ở xương hàm trên hoặc hàm dưới và trong các răng thì răng cửa giữa hay bị chấn thương nhất. Những trẻ bị vẩu xương hàm hay trẻ bị động kinh cũng có nguy cơ bị chấn thương răng cao hơn.
Triệu chứng lâm sàng ở trẻ bị chấn thương răng sữa
Ở trẻ em, khi bị chấn thương răng thường ít gãy hơn so với người lớn nhưng hay bị lung lay, di lệch sang bên hoặc lún vào bên trong xương hàm hay rơi ra ngoài huyệt ổ răng. Trong trường hợp bị gãy thì có thể gãy thân răng, chân răng hoặc cả thân và chân răng.
Tùy theo mức độ, vị trí gãy mà nha sĩ có phương pháp điều trị khác nhau. Khi trẻ bị va đập, nếu có chấn thương răng thì hiếm khi chỉ chấn thương răng đơn thuần mà thường có tổn thương niêm mạc hoặc xương ổ răng. Niêm mạc ở môi, miệng, xương ổ răng có thể bị va đập sưng nề hoặc bị rách, chảy máu với nhiều mức độ khác nhau. Ngoài ra, có thể gãy xương hàm, trật khớp thái dương hàm hoặc các chấn thương khác như mắt, tai mũi họng, sọ não kèm theo.
Cách xử lý khi trẻ bị chấn thương răng sữa
Các phương pháp xử lý khi trẻ bị chấn thương răng sữa rất phong phú, tùy theo trường hợp mà có thể theo dõi tủy răng, mài chỉnh khớp cắn, cắm lại răng, nắn chỉnh răng, cố định răng.
– Xử trí lún răng sữa: Cần phải căn cứ vào vị trí di lệch của chóp răng khi so với mầm răng sữa. Trường hợp chân răng bị trượt về phía tiền đình, xa mầm răng vĩnh viễn thì cần bảo tồn răng, theo dõi 1-6 tháng, nếu không mọc được thì phải nhổ răng. Trường hợp chân răng bị trượt về phía khẩu cái, khoảng cách giữa chân răng và mầm răng sẽ vĩnh viễn hẹp, lúc này cần nhổ răng nhẹ nhàng, tránh sang chấn mầm răng bên dưới.
– Xử trí lung lay răng sữa: Cố định răng. Nếu răng lung lay quá nhiều hoặc sắp đến tuổi thay thì có thể nhổ bỏ. Theo dõi tình trạng tủy răng, điều trị tủy nếu cần thiết.
– Răng sữa rơi ra ngoài: Khác với răng vĩnh viễn bị rơi ra ngoài, trường hợp này không có chỉ định cấy ghép lại răng cho răng sữa.