Đau mắt đỏ ở trẻ là bệnh lý rất phổ biến. Bệnh tuy không đe dọa đến tính mạng nhưng khiến trẻ rất khó chịu, ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày của các con.
Bệnh đau mắt đỏ còn được gọi là viêm kết mạc. Chúng thường khởi phát đột ngột, dễ lây lan nên dễ bùng phát thành dịch. Vì vậy, tìm hiểu những thông tin liên quan đến bệnh đau mắt đỏ là việc làm cần thiết mà ba mẹ nên làm để góp phần chăm sóc sức khỏe con yêu một cách toàn diện.

Nguyên nhân gây bệnh đau mắt đỏ
Bệnh đau mắt đỏ gây nên do nhiều nguyên nhân. Có thể kể đến như:
Virus: Virus là tác nhân chính gây bệnh đau mắt đỏ ở trẻ. Loại virus chính gây bệnh là virus Adenovirus. Chúng gây viêm kết mạc kèm theo các dấu hiệu cảm lạnh.
Vi khuẩn: Vi khuẩn là tác nhân gây nên tình trạng đau mắt đỏ ở trẻ kèm theo triệu chứng mắt của trẻ có một chất xám màu vàng, dày khiến cho mí mắt sưng lên hoặc dính lại với nhau. Các vi khuẩn thường gây bệnh viêm kết mạc là vi khuẩn staphylococcus, streotococcus hoặc vi khuẩn hemophilus.
Dị ứng: Khi bị đau mắt đỏ, nếu mắt bé có cảm giác đau và sưng như có nước bên trong, đỏ ngầu kèm hiện tượng chảy nước mũi thì trẻ có thể bị dị ứng một số chất như bụi, khói, phấn hoa…
Chất kích thích: Bất cứ chất kích thích nào cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh đau mắt đỏ ở trẻ.
Triệu chứng bệnh đau mắt đỏ ở trẻ

Biểu hiện đầu tiên và phổ biến nhất của bệnh đau mắt đỏ chính là mắt đỏ và có ghèn. Khi bị bệnh, trẻ thường đỏ một mắt trước sau đó lan sang mắt còn lại.
Triệu chứng thường gặp của bệnh đau mắt đỏ là cảm giác khó chịu ở mắt, sau đó cộm lên như có cát trong mắt. Mắt bé có nhiều dử, nhất là khi ngủ dậy mắt khó mở vì bị nhiều dử dính chặt. Tùy vào tác nhân gây bệnh, dử có thể có màu vàng hoặc màu xanh.
Khi bị đau mắt đỏ, mi mắt của bé sưng nề, mọng, mắt đỏ, đau nhức, nổi cộm và chảy nước mắt. Ngoài ra, một số trẻ khi bị đau mắt đỏ còn xuất hiện triệu chứng mệt mỏi, sốt nhẹ, ho, đau họng, xuất hiện hạch ở tai.
Một số trường hợp đau mắt đỏ có giả mạc (lớp màng dai trắng khi lật mi trên mới thấy). Với những đứa trẻ này, thời gian khỏi bệnh thường lâu hơn những trường hợp khác.
Đau mắt đỏ lây nhiễm như thế nào?

Bệnh đau mắt đỏ có thể gặp ở mọi lứa tuổi, không phân biệt giới tính, người già, trẻ em, phụ nữ hay nam giới đều có thể bị. Bệnh lây lan khá dễ dàng nên dễ phát triển thành dịch. Các con đường lây nhiễm của bệnh đau mắt đỏ có thể là:
- Tiếp xúc trực tiếp với chất tiết, rỉ mắt của người bệnh.
- Lây lan qua không khí.
- Sử dụng nguồn nước bị nhiễm bẩn.
Cần làm gì khi trẻ bị đau mắt đỏ?
Khi trẻ bị đau mắt đỏ, điều đầu tiên ba mẹ cần làm đó là không cho trẻ đi học bởi chúng khiến bệnh tình nặng hơn và có thể lây nhiễm sang những đứa trẻ khác, trở thành dịch bệnh rất khó kiểm soát.
Nếu trẻ bị đau mắt đỏ do virus gây ra, ba mẹ cũng không nhất thiết phải cho bé nằm viện để điều trị cũng như phải dùng thuốc. Điều cần làm là cố gắng giữ gìn vệ sinh sạch sẽ cho bé và môi trường xung quanh nơi bé ở để ngăn ngừa bệnh lây lan. Bệnh sẽ dần dần được cải thiện sau 3 – 5 ngày. Điều trị tại nhà sẽ giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn.
Nếu bệnh đau mắt đỏ do vi khuẩn gây ra thì ba mẹ hãy cho bé uống thuốc kháng sinh theo chỉ dẫn của bác sĩ bởi chúng nhanh chóng giết chết vi khuẩn gây bệnh, giúp bé nhanh khỏi hơn.
Nếu dùng thuốc, ba mẹ tuyệt đối dùng theo chỉ dẫn của bác sĩ, không được tự mua thuốc về chữa trị cho bé bởi nó có thể không giúp bệnh thuyên giảm mà còn khiến bệnh nặng nề hơn.

Lưu ý khi điều trị bệnh đau mắt đỏ ở trẻ
Trong quá trình điều trị bệnh đau mắt đỏ ở trẻ, ba mẹ cần lưu ý một vài vấn đề để quá trình điều trị dễ dàng hơn, hạn chế tối đa những biến chứng có thể xảy ra.
- Hạn chế việc cho bé tiếp xúc với những người xung quanh, đặc biệt là trẻ em để tránh lây nhiễm bệnh.
- Khi bị đau mắt đỏ, mắt bé sẽ xuất hiện rất nhiều ghèn, đặc biệt lúc ngủ. Lớp ghèn này khiến bé rất khó chịu vì nó làm dính chặt mắt lại. Vì vậy, ba mẹ hãy dùng khăn mềm thấm nước ấm và chùi nhẹ quanh mắt để loại bỏ bớt ghèn, giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn.
- Việc sử dụng băng gạc để vệ sinh mắt rất dễ khiến bệnh lây lan từ mắt này sang mắt kia. Vì vậy, ba mẹ nên sử dụng 2 miếng gạc cho mỗi mắt và chỉ sử dụng 1 lần duy nhất.
- Sau khi sử dụng gạc hoặc khăn giấy để vệ sinh mắt cho bé, bạn nên dọn dẹp rác sạch sẽ, không vứt bừa bãi để tránh lây lan sang những người xung quanh.
Trên đây là những thông tin hữu ích về bệnh đau mắt đỏ ở trẻ. Ba mẹ nên tìm hiểu để có thêm kiến thức giúp bảo vệ con yêu một cách tốt hơn.