Nổi mẩn đỏ trên cơ thể là hiện tượng khá phổ biến ở trẻ bởi làn da của các bé còn khá mỏng manh và nhạy cảm. Tuy nhiên, để có thể tìm ra được cách chữa trị phù hợp thì trước hết bố mẹ cần tìm hiểu những nguyên nhân khiến trẻ bị nổi mẩn đỏ trên cơ thể.
Vì sao trẻ lại bị nổi mẩn đỏ?
Theo các bác sĩ nhi khoa, có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị nổi mẩn đỏ trên cơ thể, bao gồm cả yếu tố khách quan và chủ quan.
Sau đây là một số nguyên nhân phổ biến:
- Do mụn sữa
Mụn sữa là vấn đề thường gặp ở trẻ trong những năm tháng đầu đời. Mụn sữa sẽ thường xuất hiện ở mặt, cổ, tay, chân hoặc ở lưng của bé.
Nguyên nhân của tình trạng này là do tuyến bã nhờn trên da bé chưa hoạt động một cách ổn định.
Thông thường, mụn sữa sẽ tự mất dần khi trẻ lớn lên.
- Do phát ban
Mẩn đỏ xuất hiện trên cơ thể trẻ cũng có thể là do sốt phát ban. Phát ban thường thường xuất hiện sau giai đoạn sốt.
Ban đầu là những nốt phát ban màu hồng li ti trên ngực, bụng, lưng bé rồi lan sang 2 tay và cổ. Một số trường hợp nổi lên cả mặt, thậm chí ở lòng bàn chân.
Một số dấu hiệu để bố mẹ phát hiện trẻ bị phát ban đó là những nốt mẩn đỏ không ngứa. Ngoài ra, khi bị sốt phát ban trẻ sẽ có thêm vài biểu hiện như: ho khan, tiêu chảy, quấy khóc, biếng anh và mí mắt bị sưng.
- Bị viêm da
Viêm da cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ dễ bị nổi mẩn đỏ.
Tình trạng viêm da có thể xuất hiện do da trẻ bị kích ứng trong quá trình sử dụng các vật dụng tiếp xúc trực tiếp với da trẻ như chăn, màn, quần áo, bỉm. Một số trường hợp khác do dị ứng thời tiết, viêm da tiếp xúc, dị ứng phấn hoa…
Không chỉ vậy, nấm và vi khuẩn cũng có thể trở thành tác nhân khiến trẻ bị viêm da và nổi mẩn đỏ trên người.
- Do chàm sữa
Chàm sữa là hiện tượng bé bị nổi mẩn đỏ ở mặt, đặc biệt là 2 má bị ửng đỏ. Vùng da bị ửng đỏ hơi ráp và khô.
Một trong những nguyên nhân của hiện tượng này là do cơ địa của trẻ và yếu tố môi trường gây nên.
- Do rôm sảy
Rôm sảy có thể khiến bé bị nổi mẩn đỏ khắp người và ngứa. Rôm thường xuất hiện khi trẻ bị nóng, đặc biệt là vào những ngày hè, dưới thời tiết oi nóng như hiện nay.
- Do hăm hoặc mụn nhọt gây ra
Đối với trẻ sơ sinh còn sử dụng bỉm, việc mẹ quá lạm dụng bỉm cũng khiến nhiều trẻ bị hăm, viêm da, da nổi mụn, nổi mẩn đỏ.
Mụn trứng cá, nhọt do nóng trong cũng là một dạng nổi mẩn đỏ trên da trẻ, tuy nhiên trường hợp này những vết mẩn đỏ không nhiều và thường không lan rộng, sau một vài ngày mụn sẽ tự hết.
Bố mẹ nên làm gì khi trẻ bị nổi mẩn đỏ?
Việc bé bị nổi mẩn đỏ trên cơ thể thông thường có thể dễ dàng chữa khỏi nếu bố mẹ tìm ra đúng nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên, nếu bố mẹ chăm sóc bé sai cách, thì làn da nhạy cảm của bé có thể sẽ chịu những tổn thương nghiêm trọng.
Sau đây là cách chăm con khi bé bị nổi mẩn đỏ, bố mẹ nên nhớ:
– Dựa vào đặc điểm của những vết mẩn đỏ để xác định nguyên nhân
– Theo dõi diễn biến xem những vết mẩn đỏ có lan rộng không, có mủ không hay dấu hiệu bất thường khác không.
– Không mặc những bộ quần áo bó sát cơ thể bé. Thay vào đó, bố mẹ nên mặc cho bé những bộ đồ rộng rãi, và tạo không gian ở thoáng mát cho trẻ.
– Nên cho bé ăn những thực phẩm có tính mát, ăn nhiều trái cây, rau xanh và uống nhiều nước.
– Giữ cho vùng da bị nổi mẩn của trẻ luôn sạch sẽ. Tắm cho trẻ bằng những thảo dược thiên nhiên hoăc sử dụng nhưng sản phẩm lành tính dành riêng cho bé theo chỉ dẫn của chuyên gia.
– Nếu còn trong giai đoạn cho con bú thì mẹ không nên ăn những đồ ăn dễ gây dị ứng như hải sản, đồ chiên, rán, đồ cay, nóng.
– Đưa con đến gặp bác sĩ nếu trên những vết mẩn đỏ xuất hiện nhiều lên kèm theo biểu hiện lạ như: mủ trắng, nước vàng, quầng mẩn đỏ lan rộng…
– Ngoài ra, bố mẹ không nên tắm hay lau liên tục vết mẩn đỏ trên da bé, cũng như tránh để con gãi khiến da bị trầy xước.