Trẻ khóc đêm là hiện tượng thường thấy ở các bé còn sơ sinh, dưới đây là những nguyên nhân trẻ hay khóc đêm có thể cha mẹ không biết.
Gặp ác mộng là một nguyên nhân trẻ hay khóc đêm
Nếu bé thức dậy giữa đêm, la hét và khóc lóc thì nguyên nhân có thể vì bé bị giật mình khi ngủ do vừa gặp phải ác mộng. Đây cũng có thể là hội chứng sợ hãi về đêm vô hại với bé.
Trẻ thiếu canxi
Cơ thể thiếu canxi cũng là nguyên nhân trẻ hay khóc đêm, có liên quan đến chứng còi xương ở trẻ. Nếu bị còi xương, bé ngoài khóc đêm còn xuất hiện một số dấu hiệu đi kèm khác như chậm mọc răng, hay ra mồ hôi trộm và rụng tóc hình vành khăn…
Biểu hiện bất thường về chức năng não
Hiện tượng giật mình cũng có thể là một biểu hiện bất thường về cấu trúc hoặc chức năng của não bộ. Tuy nhiên cần có thêm nhiều thông tin và các xét nghiệm cần thiết thì mới có thể chẩn đoán chính xác.
Bé bị đau và khó chịu khi mọc răng
Khi bé bắt đầu mọc răng, bé có thể sẽ khóc đêm do cảm giác bị đau hay khó chịu lúc răng mọc. Mẹ hãy để ý phần gò má, cằm và nướu của bé, nếu thấy bị sưng đỏ hay có sốt nhẹ thì lúc đó bé đang trong giai đoạn mọc răng đấy. Bé khóc đêm do mọc răng thì mẹ nên chườm lạnh cho con để giảm bớt sự khó chịu.
Tiểu dầm là nguyên nhân trẻ hay khóc đêm
Khi tã lót bị ướt vì nước tiểu, bé ngủ sẽ không được ngon giấc và quấy khóc. Do đó, mẹ cần thay tã cho bé kịp thời. Ngoài ra, nếu mẹ đã nắm rõ quy luật tiểu đêm của con thì mẹ cũng có thể chủ động thay trước tã cho bé, điều này vừa tránh cho bé bị khó chịu dẫn đến quấy khóc, vừa bảo đảm giấc ngủ cho cả người lớn.
Tiếng ồn
Trong khi ngủ nếu xuất hiện tiếng ồn hay âm thanh bất ngờ phát ra thì có thể đánh thức bé và làm bé bị giật mình, quấy khóc. Do đó, cha mẹ nên giữ phòng ngủ của con được yên tĩnh, hạn chế tối đa tiếng ồn hay âm thanh lớn và nên chọn vị trí phòng ngủ yên tĩnh để con được ngủ sâu giấc.
Tiêu hóa không tốt
Nếu ăn phải những loại thức ăn dễ bị dị ứng hay khó tiêu, bé sẽ khó chịu và quấy khóc. Lúc này cha mẹ nên để ý bụng của bé có bị phình to hay thường xì hơi mà vẫn không đi tiêu được hay không. Nếu có thì cha mẹ phải đưa bé đến bác sĩ để được kiểm tra chính xác và có phương pháp điều trị hợp lý.
Rời mẹ một cách đột ngột
Nếu mẹ vẫn thường gần gũi với bé nhất đột ngột xa nhà thì sẽ gây cảm giác bất an ở bé và dẫn đến tình trạng bé quấy khóc vào ban đêm. Lúc này, người nhà của bé nên vỗ về, an ủi nhẹ nhàng để giúp bé nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh mới.
Hoạt động quá mức
Do hệ thống thần kinh của bé chưa được phát triển hoàn thiện, khả năng ức chế vẫn còn kém, vì thế nếu ban ngày có những hoạt động quá sức thì có thể làm cho não bộ bé vẫn còn trong trạng thái hưng phấn, khiến bé đột nhiên la khóc khi đang ngủ. Hiện tượng này xảy ra cũng giống như bé gặp phải ác mộng vậy. Vì thế, ban ngày cha mẹ không nên để con hoạt động vui chơi quá mức, làm cho não bộ đạt hưng phấn cực độ để nhằm bảo đảm giấc ngủ bé được an lành.