Cha mẹ cần thực hiện đúng, đủ các nguyên tắc ăn dặm cho trẻ để các bé được phát triển một cách toàn diện nhất. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những nguyên tắc ăn dặm cho trẻ giúp cha mẹ ghi nhớ và thực hành dễ dàng.
Nguyên tắc 1: Thời điểm ăn dặm chính xác
Nguyên tắc ăn dặm cho trẻ hàng đầu là thời điểm bắt đầu và kết thúc ăn dặm phải chính xác. Tuân thủ điều này sẽ góp phần quan trọng vào quá trình tăng trưởng, phát triển của trẻ. Ăn dặm quá sớm sẽ ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hoá non yếu của trẻ. Trong khi đó, cho trẻ ăn dặm quá muộn có thể dẫn đến biếng ăn, chậm tăng cân, suy dinh dưỡng ở trẻ.
Theo đó, trẻ nên tiến hành ăn dặm khi 6 tháng tuổi và kết thúc khi trẻ 2 tuổi. Từ tháng thứ 6, sữa mẹ không đủ cung cấp năng lượng cần thiết cho trẻ mỗi ngày, vì vậy, trẻ cần được bù đắp năng lượng bị thiếu. Khi trẻ tròn 2 tuổi nên chấm dứt thời kỳ ăn dặm để trẻ làm quen dần với thói quen ăn như người lớn.
Nguyên tắc 2: Ăn dặm từ ít đến nhiều
Vì hệ tiêu hoá của trẻ chưa hoàn thiện nên nguyên tắc ăn dặm cho trẻ rất quan trọng mà cha mẹ cần lưu ý là cho bé ăn với liều lượng hợp lý, từ ít đến nhiều. Khởi đầu, trẻ chỉ cần ăn nửa bát bột và 1-2 bữa mỗi ngày để tránh tình trạng rối loạn tiêu hoá ở trẻ. Khi các bé đã quen với ăn dặm, cha mẹ hãy tăng số lượng thức ăn đồng thời tăng số bữa ăn lên 3-4 bữa mỗi ngày khi gần 1 tuổi.
Nguyên tắc 3: Ăn dặm từ loãng đến đặc, mềm đến cứng, ngọt đến mặn
Vì trẻ đang quen với sữa mẹ nên khi tập làm quen với ăn dặm, trẻ cần bắt đầu từ thức ăn loãng đến đặc, mềm đến cứng. Ngoài ra, trẻ cần được ăn dặm từ loại bột có vị ngọt đến vị mặn. Đó là nguyên tắc ăn dặm cho trẻ mà bố mẹ nào cũng phải tuyệt đối tuân thủ. Bên cạnh đó, khi chế biến đồ ăn dặm cho trẻ, cha mẹ lưu ý cho thêm 1 thìa nhỏ dầu ăn để cung cấp thêm năng lượng và giúp bé dễ hấp thu hơn.
Nguyên tắc 4: Cho trẻ làm quen từ từ với các loại thức ăn mới
Khi cho bé thử một loại thức ăn mới, cha mẹ nên theo dõi từ 3-5 ngày xem bé có bị rối loạn tiêu hoá hay dị ứng với loại thức ăn đó hay không, bé có cảm thấy hợp khẩu vị, có thích thú hay không. Sau đó mới cho bé chuyển sang ăn một loại thức ăn khác. Cứ thế, cha mẹ sẽ tiếp tục giúp trẻ thích nghi dần dần với các loại thức phẩm khác nhau.
Nguyên tắc 5: Không nêm mắm, muối vào đồ ăn dặm của trẻ
Không ít cha mẹ phạm sai lầm đó là bỏ chút mắm, chút muối vào khẩu phần ăn dặm của trẻ với suy nghĩ điều đó sẽ giúp cho con em họ cảm thấy ngon miệng hơn. Cha mẹ tuyệt đối không phạm sai lầm ấy. Vì thận của trẻ giai đoạn này còn non yếu và chưa phát triển hoàn thiện, nên việc cha mẹ nêm mắm, muối vào đồ ăn dặm của trẻ sẽ ảnh hưởng không tốt đến cơ quan này.
Nguyên tắc 6: Thực đơn ăn dặm cho trẻ phải cân đối, khoa học, phù hợp với từng giai đoạn phát triển
Thực đơn ăn dặm cho trẻ phải khoa học, đảm bảo cân đối giữa các nhóm chất khác nhau, phân chia theo tỷ lệ thật hợp lý để trẻ phát triển toàn diện. Dư thừa bất cứ chất gì cũng sẽ không có lợi cho hệ tiêu hoá non yếu của trẻ. Đơn cử như dư thừa đạm sẽ khiến trẻ bị rối loạn tiêu hoá, gây hệ quả biếng ăn ở trẻ.
Chế biến đồ ăn dặm cho trẻ phải phù hợp với từng giai đoạn phát triển của trẻ. Theo đó, cha mẹ cần lưu ý các giai đoạn sau:
– Giai đoạn ăn bột: Cha mẹ cho trẻ từ 6 tháng tuổi ăn bột tự nấu hoặc bột đóng hộp, lưu ý đảm bảo nguồn nguyên liệu sạch cho trẻ.
– Giai đoạn ăn cháo: Các bé 9, 10 tháng tuổi được bắt đầu ăn cháo. Khi cho trẻ ăn cháo, cha mẹ nhớ cho bé ăn cả xác rau củ quả và thịt nấu nhuyễn, chứ không chỉ đơn thuần là cho bé ăn cháo với nước ninh xương.
– Giai đoạn ăn cơm: Trẻ bắt đầu ăn cơm mềm hoặc cơm dằm nát khi có đủ 20 cái răng. Bên cạnh đó, cha mẹ cần tập cho các bé ăn các loại rau củ quả.