Rất nhiều bậc phụ huynh nhầm lẫn giữa 2 bệnh sởi và sốt phát ban dẫn đến những hậu quả biến chứng nguy hiểm ở trẻ. Việc phát hiện và phân biệt sốt phát ban và bệnh sởi sẽ giúp ích cho phụ huynh rất nhiều trong việc theo dõi, điều trị và chăm sóc cho trẻ mắc bệnh.
Những khác biệt cơ bản của hai bệnh trên như sau:
Khác biệt về tác nhân gây bệnh
– Sốt phát ban hầu hết là do nhiễm vi rút thông thường (70% – 80%), trong đó nhóm vi rút đường hô hấp chiếm đa số và hầu hết chúng là những vi rút lành tính.
– Tác nhân gây bệnh sởi chủ yếu là vi rút thuộc giống morbillivirus của họ Paramyxoviridae. Bệnh sởi là tình trạng cơ thể nhiễm vi rút cấp tính.
Khác biệt về dấu hiệu mắc bệnh
Trong giai đoạn ủ bệnh, giai đoạn mới mắc bệnh sốt phát ban và sởi (trung bình khoảng 1 tuần) thường có biểu hiện khá giống nhau, thể hiện qua những triệu chứng như bệnh nhân bị sốt (sốt nhẹ hoặc sốt cao, khoảng 38 – 39 độ C), xuất hiện cảm giác mệt mỏi trong người, lừ đừ, trẻ đau đầu hay nhức mỏi khắp cơ thể, con biếng ăn. Một số trẻ có thể bị nôn ói hoặc tiêu chảy.
Sự khác biệt giữa sốt phát ban và bệnh sởi rõ rệt nhất là vào giai đoạn toàn phát rất đặc trưng của bệnh sởi:
– Sốt phát ban thông thường: sau khi giảm sốt, trẻ sẽ bị phát ban, đây là hồng ban dạng mịn và sáng, ít sần sùi trên bề mặt da, ban nổi khắp cơ thể của trẻ và sau khi bay thường không để lại dấu vết gì trên da.
– Phát ban do sởi với tiến trình rất đặc trưng: lúc đầu ban xuất hiện ở sau tai, sau đó lan ra mặt, rồi dần xuống ngực bụng và phát ra toàn thân. Khi ban sởi cũng biến mất dần theo thứ tự đã nổi trên da.
Điểm đặc trưng của ban sởi là ban dạng sẩn (ban gồ lên mặt da), sau khi bay cũng sẽ để lại những vết thâm trên da rất đặc trưng. Đặc biệt trẻ bị nhiễm sởi thường có một trong 3 triệu chứng đặc trưng đi kèm đó là chảy nước mũi, ho hay dấu hiệu mắt đỏ.
Khác biệt về những biến chứng nguy hiểm của bệnh
– Sốt phát ban do nhóm siêu vi thông thường gây ra nên hầu hết đều là bệnh lành tính. Trẻ bị sốt phát ban nếu được chăm sóc đúng cách, hợp lý về chế độ dinh dưỡng và giữ gìn vệ sinh thân thể thì bệnh sẽ tự khỏi sau 5 – 7 ngày mà không gây ra biến chứng nguy hiểm nào.
– Sốt phát ban do vi rút sởi có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ nếu trẻ bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời vì cơ thể trẻ nhỏ sức đề kháng kém, đặc biệt là với trẻ sơ sinh.
Những biến chứng thường xảy ra khi bị sởi bao gồm: viêm tai giữa cấp chiếm khoảng 10%, viêm phổi nặng chiếm khoảng 5%, một số biến chứng nguy hiểm khác ít gặp hơn như viêm não chiếm khoảng 1‰, viêm loét giác mạc có thể gây mù lòa và suy dinh dưỡng nặng hậu nhiễm sởi cũng là những biến chứng nặng do bệnh sởi gây ra.
Cách chăm sóc trẻ khi bị sốt phát ban khi mắc 2 bệnh
– Hạ sốt: Nếu trẻ sốt cao trên 38,5 độ C, hãy cho trẻ uống thuốc hạ sốt kết hợp sử dụng khăn ấm lau vùng bẹn, nách để hạ sốt cho con để tránh các biến chứng khác như co giật…
– Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý: Mẹ nên cho trẻ ăn đồ ăn dạng lỏng, giàu dinh dưỡng và dễ tiêu hóa như cháo. Trường hợp trẻ khó ăn thì có thể chia nhỏ bữa ăn để cơ thể được bổ sung đủ dưỡng chất cũng như khiến trẻ dễ ăn hơn. Ngoài ra, bạn cũng nên cho con uống các loại nước ép trái cây để bổ sung các loại vitamin và chất khoáng thiết yếu.
– Giữ cho cơ thể sạch sẽ, khô thoáng: Khi trẻ bị sốt phát ban, mẹ cần tắm rửa cho con sạch sẽ mỗi ngày. Tuyệt đối không kiêng nước, kiêng gió bởi nếu không được vệ sinh sạch sẽ khiến trẻ khó chịu, da dễ nhiễm trùng hơn.
– Mẹ không nên cho trẻ tiếp xúc với bệnh nhân nghi ngờ mắc sốt phát ban sởi; đồng thời cho trẻ tiêm phòng theo đúng khuyến nghị của bác sĩ.
Bạn đang đọc bài viết: Phân biệt sốt phát ban và bệnh sởi ở trẻ em