Bệnh ban đỏ nhiễm khuẩn là tình trạng phát ban trên da trẻ, bệnh thường xuất hiện vào tiết trời mùa xuân ở những vùng có khí hậu nóng ẩm.
Được xếp vào loại bệnh nhẹ, lành tính, nhưng có thể ảnh hưởng xấu với những người có hệ miễn dịch suy yếu, những người bị rối loạn máu hay phụ nữ mang thai.
Parvovirus B19 không gây dị tật thai nhi nhưng có thể gây thai lưu. Các biến chứng khác có thể gặp là viêm đa khớp, viêm gan, viêm não, viêm cơ, bệnh tim…
Do đó, những người đang mang thai, nếu nghi ngờ bị nhiễm virus hoặc từng có tiếp xúc với người nghi ngờ có virus nên tới bệnh viện thăm khám, bệnh cần được chẩn đoán qua xét nghiệm máu và cần theo dõi chặt chẽ sự phát triển của thai nhi nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc.
Bệnh ban đỏ nhiễm khuẩn là gì?
Ban đỏ nhiễm khuẩn còn có tên gọi quen thuộc khác là hồng ban nhiễm khuẩn hay là bệnh thứ năm (theo thứ tự phân loại về 6 ngoại ban nhiễm trùng ở trẻ em, ban đỏ nhiễm khuẩn đứng vị trí thứ năm)
Bệnh do Parvovirus B19 gây ra, biểu hiện là những vùng da bị phát ban màu đỏ. Do triệu chứng của bệnh khá giống với bệnh viêm họng hay cảm lạnh thông thường nên các bệnh nhân có thể không biết mình hoặc con em bị nhiễm bệnh cho đến khi những vùng da phát ban xuất hiện. Thông thường, bệnh nhẹ sẽ tự khỏi trong vòng khoảng 2-3 tuần.
Triệu chứng của bệnh ban đỏ nhiễm khuẩn
Một số trường hợp không có bất kỳ triệu chứng nào trong thời gian ủ bệnh (khoảng 6-18 ngày), cho đến giai đoạn phát ban, còn lại đa số các triệu chứng thường được biểu hiện như sau:
– Sốt nhẹ (khoảng 38 độ C)
– Đau họng, sổ mũi
– Nhức đầu
– Đau khớp và cứng khớp
– Đau bụng
– Cảm giác khó chịu
– Sau vài ngày sẽ phát ban ra ngoài
Bệnh dễ lây nhất trong giai đoạn đầu. Đến giai đoạn phát ban rồi bệnh sẽ không lây nữa. Phát ban thường nổi đỏ trên hai má ở trẻ em (thường không gặp tình trạng này ở người lớn). Sau đó, phát ban còn có thể lan sang các vùng bụng, cánh tay, ngực và đùi; gây ra cảm giác nóng rát, khó chịu. Tuy nhiên, tình trạng này cũng sẽ nhạt dần rồi biến mất trong vòng 1-2 tuần.
Một số trẻ còn có triệu chứng: xuất hiện các hạch, viêm họng… Do triệu chứng của ban đỏ nhiễm khuẩn thường dễ lẫn với một số bệnh khác, do đó, khi nghi ngờ, cách tốt nhất nên đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm, tư vấn và điều trị nhằm tránh các biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.
Bệnh ban đỏ nhiễm khuẩn lây lan như thế nào?
Bệnh gây ra bởi Parvovirus B19, lây qua ho và hắt hơi của người bị nhiễm bệnh, giống như cảm cúm. Có thể nhiễm bệnh sau khi hít phải những giọt nước li ti từ việc ho hay hắt hơi của người bị nhiễm bệnh, hoặc chạm vào một bề mặt ô nhiễm rồi chạm tay vào mũi hoặc miệng.
Các đường lây truyền virut là không khí, lây từ mẹ sang con, lây quan đường máu. Chủ yếu là lây qua đường hô hấp như tiếp xúc với người bệnh khi hắt hơi, sổ mũi hoặc tay chạm tay sau đó lại đưa lên đường hô hấp. Do vậy, có thể tìm thấy virus trong dịch tiết miệng hoặc mũi sau 5-10 ngày nhiễm bệnh.
Điều trị bệnh ban đỏ nhiễm khuẩn như thế nào?
Việc điều trị bệnh ban đỏ nhiễm khuẩn chủ yếu nhằm làm giảm các triệu chứng như: sốt, đau, nhức, khó chịu… chứ không có biện pháp điều trị nào cụ thể. Nếu mắc bệnh, bệnh nhân cần được đưa đến các cơ sở y tế để thăm khám, hướng dẫn cách tự chăm sóc và dùng thuốc cụ thể. Không nên chủ quan tự ý mua thuốc về dùng khi chưa có chỉ định của bác sĩ, tránh tình trạng điều trị sai thuốc khiến bệnh càng nặng thêm. Để giảm cảm giác nóng, rát ở vùng da phát ban cho trẻ, các phụ huynh có thể dùng khăn lạnh chườm, cảm giác nóng rát khó chịu sẽ giảm dần. Nếu ai đã bị mắc bệnh ban đỏ nhiễm khuẩn một lần, thường sẽ không bị tái phát trở lại.
+ Trẻ em:
Bệnh thường nhẹ hơn ở trẻ em và có thể được chữa trị một cách dễ dàng. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu của bệnh hãy để con ở nhà, vì đây là một loại nhiễm virus dễ lây lan. Khi thấy trẻ bị sốt hoặc phát ban, cần giữ trẻ cách ly với các trẻ khác và các thai phụ, vì đây là những đối tượng dễ bị ảnh hưởng xấu bởi virus ban đỏ nhiễm khuẩn.
Các phụ huynh không nên quá lo lắng, bệnh sẽ biến mất trong vòng 1-2 tuần. Khi thấy xuất hiện phát ban, nên đưa con đến bệnh viện thăm khám và điều trị.
+ Người lớn
Người lớn nếu nghi ngờ mắc bệnh ban đỏ nhiễm khuẩn, cần tìm đến sự trợ giúp về y tế để ngăn chặn sự phát triển của bệnh. Đặc biệt, với các phụ nữ đang mang thai cần hết sức cẩn trọng vì bệnh sẽ gây ra nguy cơ sảy thai hoặc các biến chứng khác nếu không miễn dịch.
Ngoài ra là các bệnh nhân rối loạn máu và hệ miễn dịch suy yếu cũng rất dễ bị nguy hiểm nếu bị mắc bệnh. Những bệnh nhân này cần cẩn thận đề phòng bệnh, nếu nghi ngờ mắc bệnh cần đến điều trị ngay tại bệnh viện. Nếu bạn bị thiếu máu nghiêm trọng và có làn da nhợt nhạt thì cần phải đặc biệt lưu ý. Trong trường hợp thiếu máu nặng, bệnh nhân cần phải nhập viện để được truyền máu.
Hiện nay vẫn chưa có vắc-xin nào có thể ngăn ngừa bệnh ban đỏ nhiễm khuẩn hay bệnh thứ năm.
Phòng ngừa bệnh ban đỏ nhiễm khuẩn
Bệnh ban đỏ nhiễm khuẩn thường xuất hiện nhiều ở những vùng có khí hậu nóng ẩm như Việt Nam ta. Do vậy, cần chú ý đề phòng để giảm nguy cơ mắc bệnh và nguy cơ lây lan của bệnh bằng những việc làm như sau:
– Luôn chú ý sinh hoạt điều độ, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, tập thể dục đều đặn giúp tăng cường hệ miễn dịch để bảo vệ cơ thể tránh khỏi vi khuẩn và virus
– Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng sạch sẽ.
– Sử dụng khăn giấy để che miêng khi ho hoặc hắt hơi, sau đó vứt khăn giấy đã sử dụng đi ngay.
– Nếu trẻ đã bị nhiễm bệnh thì bạn nên để con ở nhà trong giai đoạn đầu để tránh lây lan cho người khác. Khi chuyển sang giai đoạn phát ban thì bệnh sẽ không lây lan nữa.
– Phụ nữ có thai cần cẩn thận đề phòng, tránh xa người bệnh và cần làm xét nghiệm máu xem bạn có miễn nhiễm hay không.
Bệnh thường lây qua đường hô hấp là chính, do đó rất dễ lây. Chỉ cần tiếp xúc với người bệnh trong thời gian ủ bệnh khi hắt hơi, sổ mũi hoặc tay chạm tay sau đó lại đưa lên đường hô hấp là bạn đã có nguy cơ bị lây nhiễm. Do đó mà có thể gây thành dịch ở trường học, trong cùng khu vực sinh sống. Bệnh lành tính nhưng có thể gây nguy hiểm ở người suy giảm miễn dịch, dùng thuốc ức chế miễn dịch hoặc ở phụ nữ mang thai. Vì vậy, việc hiểu biết để phòng bệnh là vô cùng quan trọng.
Những trường hợp này có sức đề kháng yếu như người bị rối loạn máu hoặc suy giảm miễn dịch hoặc đang điều trị ung thư mà bị bệnh ban đỏ nhiễm khuẩn, bệnh sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Do vậy, những đối tượng này cần được đến bệnh viện sớm để được điều trị.