Rối loạn tiêu hoá ở trẻ không chỉ ảnh hưởng tới dinh dưỡng, sự phát triển của các bé, mà còn khiến cha mẹ “lao tâm khổ tứ”. Nếu không chữa trị dứt điểm rất có thể dẫn đến tình trạng viêm, tổn thương đường ruột mãn tính gây tái phát thường xuyên. Tuy nhiên, rối loạn tiêu hoá không đáng lo ngại nếu được điều trị sớm và đúng phương pháp.
Nguyên nhân rối loạn tiêu hoá ở trẻ
- Hệ vi sinh mất cân bằng do dùng kháng sinh, do chế độ ăn uống sinh hoạt không hợp lý sẽ dẫn tới bệnh rối loạn tiêu hóa ở trẻ. Khi đó, thức ăn không được tiêu hóa hoàn toàn (phân sống, rối loạn hấp thu, tiêu chảy…), loạn khuẩn đường ruột (tiêu chảy, táo bón).
- Khi trẻ bắt đầu ăn dặm, do hệ vi sinh chưa hoàn thiện dễ dẫn đến tình trạng suy giảm chức năng tiêu hóa, thức ăn không được tiêu hóa hoàn toàn khiến vi khuẩn gây bệnh phát triển, khi đó trẻ trở nên lười ăn, hay nôn, tiêu chảy…
- Trẻ dùng thuốc kháng sinh trong thời gian dài. Kháng sinh không chỉ tiêu diệt vi khuẩn có hại mà còn diệt luôn cả vi khuẩn có lợi. Vào thời điểm này, vi khuẩn có hại xâm nhập và phát triển mạnh hơn, gây mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột dẫn đến rối loạn tiêu hóa ở trẻ.
- Chế độ ăn uống không hợp lý, giàu đường đạm béo, nhưng ít xơ, vitamin và khoáng tố.
- Trong môi trường sống có chứa rất nhiều vi khuẩn có thể gây rối loạn tiêu hóa ở trẻ em. Bé chơi đồ chơi, tiếp xúc với thú vật, đồ dùng bám vi khuẩn, sau khi đi vệ sinh không rửa tay… chính là nguy cơ tiềm ẩn gây nên chứng rối loạn tiêu hóa.
- Rối loạn tiêu hoá cũng là triệu trứng của một số bệnh như viêm dạ dày, viêm đại tràng, viêm ruột… ở trẻ.
Dấu hiệu nhận biết rối loạn tiêu hoá ở trẻ
Nhìn chung, khi bị rối loạn tiêu hoá, trẻ thường có 2 biểu hiện thường gặp nhất chính là nôn và tiêu chảy.
Tuỳ vào thể trạng từng trẻ sẽ có thêm các triệu trứng khác như đi ngoài nhiều lần, phân sống, có mùi tanh và sủi bọt hoặc phân lổn nhổn, phân không hoặc ít có mùi thối, tiêu chảy hay táo bón.
Bên cạnh đó, một số biểu hiện có thể thấy thêm ở từng trẻ như đầy bụng, khó chịu, ợ hơi, da xanh, nhợt nhạt và ít vận động, chậm tăng cân, còi cọc…
Đặc biệt, với rối loạn tiêu hóa, cha mẹ cần hết sức chú ý đến vấn đề mất nước ở trẻ với các biểu hiện hàng đầu như khát, môi khô, khóc không có nước mắt, tiểu ít đi…
Hệ luỵ của rối loạn tiêu hoá ở trẻ
Rối loạn tiêu hoá là “thủ phạm” gây ra tình trạng kém hấp thu và suy dinh dưỡng ở trẻ. Đáng lo ngại, chứng bệnh này làm giảm tỷ lệ lợi khuẩn có trong đường ruột, giảm sức đề kháng và hệ miễn dịch, tạo cơ hội cho một số vi khuẩn nguy hiểm xâm nhập và phát triển trong cơ thể trẻ gây ra các bệnh nguy hiểm như tả, lỵ, viêm đại tràng mãn tính…
Nguy hiểm hơn, rối loạn tiêu hóa với biểu hiện tiêu chảy kéo dài sẽ khiến trẻ bị mất nước, mất chất điện giải dẫn tới nguy cơ bị suy nhược cơ thể, suy thận, hôn mê, thậm chí tử vong nếu không được bù nước và chất điện giải kịp thời.
Bên cạnh đó, khi hệ miễn dịch bị suy yếu, rối loạn tiêu hóa sẽ làm cho trẻ mệt mỏi, biếng ăn, suy giảm trí lực nên việc học của trẻ bị ảnh hưởng, chỉ số trí tuệ cũng thấp hơn những trẻ khỏe mạnh.
Ngoài ra, sức khỏe bị suy kiệt cũng khiến trẻ không muốn vận động, chơi đùa. Tình trạng này kéo dài thường xuyên sẽ khiến trẻ chậm chạp, khó hoà nhập, thậm chí trầm cảm hoặc tự kỷ.
Phòng tránh rối loạn tiêu hoá ở trẻ
- Để hạn chế vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể trẻ, cha mẹ cần tập cho trẻ thói quen rửa tay trước khi ăn, sau khi vui chơi, tiếp xúc với động vật, đi vệ sinh…
- Tránh cho trẻ ngậm, mút tay, đưa đồ chơi không sạch vào miệng.
- Vệ sinh môi trường xung quanh sạch sẽ hằng ngày và vệ sinh đồ chơi cho trẻ 2 lần/tuần.
- Người lớn hay chăm sóc, tiếp xúc với trẻ cần giữ gìn vệ sinh thân thể, đặc biệt là bàn tay.
- Điều chỉnh cho trẻ chế độ ăn uống hợp lý, khoa học và lành mạnh. Phải cân đối giữa các chất dinh dưỡng bao gồm đạm, chất bột đường, chất béo và đảm bảo đủ các vitamin và khoáng chất.
- Tăng cường cho trẻ vận động, chạy nhảy, chơi bóng, đạp xe…
Cách chăm sóc và điều trị rối loạn tiêu hoá ở trẻ
- Có thể xoa bóp quanh vùng rốn để làm giảm cảm giác đầy chướng cho trẻ.
- Mẹ cần đặc biệt lưu tâm cho trẻ ăn những thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh và tốt cho hệ tiêu hóa như:
+ Thực phẩm từ gạo có chứa nhiều tinh bột dễ tiêu hóa. Đồng thời, nó cũng giúp hỗ trợ tiêu hóa các thực phẩm khác tốt hơn.
+ Rau xanh với hàm lượng chất xơ sẽ giúp hỗ trợ hệ tiêu hóa khỏe mạnh và đào thải những thực phẩm không tiêu hóa tốt.
+ Chuối là loại quả chứa nhiều vitamin, khoáng chất với các enzyme quan trọng trong hệ thống tiêu hóa.
+ Thịt gà khá giàu chất béo bão hòa thấp, dễ tiêu hóa và protein giúp thuyên giảm chứng khó chịu cho dạ dày.
+ Hạt ngũ cốc gồm các axit béo Omega 3, các loại dầu thực vật tự nhiên và chất đạm giúp thúc đẩy hệ thống tiêu hóa khỏe mạnh.
+ Sữa chua chứa nhiều vi khuẩn có lợi giúp duy trì cân bằng hệ tiêu hóa và cải thiện rối loạn đường ruột.
- Cho bé uống uống nhiều nước, tránh các thức ăn làm trẻ bị tiêu chảy nhiều hơn như các loại đậu, bắp cải, giá…; các loại trái cây có bột như lê, đào, mận.
- Cung cấp kẽm và a-xít folic để khôi phục vị giác, giúp trẻ có được cảm giác thèm ăn và ăn ngon miệng.
- Cung cấp các loại vitamin và a-xít amin thiết yếu giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.
- Đối với các bé bị mắc chứng rối loạn tiêu hóa, mẹ có thể bổ sung vào thực đơn cho con những món cháo bổ dưỡng và dễ ăn như cháo hạt sen, cháo rau sam, cháo cà rốt ô mai hay cháo gừng.
- Trẻ đang ti mẹ bị mắc rối loạn tiêu hóa cần ti mẹ nhiều hơn một chút vì trong sữa mẹ có nhiều dưỡng chất và kháng thể rất tốt. Với những bé lớn hơn, mẹ nên tạm thời giảm lượng sữa động vật và đường lactozo trong sữa vì nó có thể khiến cho bệnh tình của bé trở nên nghiêm trọng và khó kiểm soát hơn.
- Cho trẻ bổ sung men vi sinh có ích để ức chế sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh.
- Nếu do nguyên nhân nhiễm khuẩn thì phải dùng kháng sinh đường ruột. Lưu ý, chỉ dùng khi thật cần thiết và theo chỉ định của bác sĩ.