Sốt phát ban là căn bệnh phổ biến ở trẻ từ 6-36 tháng tuổi do giai đoạn này, sức đề kháng và hệ miễn dịch của trẻ còn non yếu, chưa hoàn thiện. Nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách, bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm đến sức khoẻ của trẻ như viêm phổi, viêm tai giữa, viêm não…
Nguyên nhân trẻ bị sốt phát ban
- Do nhiễm virus: Nguyên nhân này chiếm 70-80%. Trong đó, virus đường hô hấp như virus sởi, virus gây bệnh rubella, adeno virus, echo virus, nhóm enterovirus… luôn chiếm đa số.
- Do lây nhiễm: Sốt phát ban rất dễ lây nhiễm qua đường hô hấp (khi người bệnh ho, hắt hơi, nhảy mũi), nhất là trong môi trường có tính tập thể như nhà trẻ, mẫu giáo, trường học, công viên, khu vui chơi…
Dấu hiệu trẻ bị sốt phát ban
- Sau thời gian ủ bệnh khoảng 1 tuần, trẻ thường bị sốt nhẹ (37,5-38oC) hoặc cao (39-40oC) tuỳ theo tính chất, đặc điểm virus gây bệnh và thể trạng của trẻ.
- Khi hạ sốt, cơ thể trẻ sẽ xuất hiện hồng ban trên người. Theo đó:
- – Ban đỏ do virus sởi: Những ban dạng sẩn này xuất hiện kèm theo triệu trứng sổ mũi, ho, mắt đỏ. Mới đầu chúng có mặt ở sau tai, rồi lan ra mặt, xuống ngực bụng và toàn thân. Chúng mất dần theo thứ tự nổi trên da, để lại những vết thâm.
- – Ban đào do virus rubella: Dày hơn và nhạt màu hơn ban sởi, xuất hiện kèm theo tình trạng sưng hạch sau tai, hạch cổ và dưới chẩm. Mới đầu chúng có ở mặt, rồi lan xuống chân, tồn tại khoảng 3 ngày.
- Ngoài ra, khi bị sốt phát ban, trẻ thường có những biểu hiện bất thường về trạng thái tinh thần như quấy khóc, cáu gắt, khó chịu. Bên cạnh đó, trẻ thường có các triệu trứng như tiêu chảy nhẹ, biếng ăn, bọng mắt sưng, mệt mỏi và buồn ngủ liên tục…
Phòng tránh sốt phát ban ở trẻ
- Tiêm phòng đầy đủ cho trẻ. Sởi có thể chích ngừa khi trẻ được 9 tháng tuổi theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Rubella được chích chung với quai bị và sởi bằng vắc-xin 3 trong 1 khi trẻ được 12 tháng – 15 tháng tuổi và tiêm nhắc liều thứ 2 khi trẻ được 4 tuổi – 6 tuổi.
- Không để trẻ tiếp xúc với người bệnh, nguồn lây bệnh. Trẻ nhiễm bệnh rubella bẩm sinh sẽ là nguồn truyền bệnh rất cao cho người tiếp xúc.
- Hướng dẫn trẻ và những người thân trong gia đình thường xuyên rửa tay thật sạch.
- Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng và trái cây giàu vitamin C giúp tăng cường sức đề kháng chống lại virus.
Sai lầm thường gặp khi chăm trẻ sốt phát ban
Trong quá trình chăm sóc và điều trị cho trẻ sốt phát ban tại nhà, nhiều cha mẹ mắc sai lầm khi cho trẻ ăn tinh, kiêng gió, kiêng tắm. Hệ quả xấu của việc kiêng khem là cơ thể bé sẽ khó hạ sốt, nguy cơ bị nhiễm trùng da và gặp biến chứng viêm phổi rất cao. Ăn tinh sẽ làm cho bé rơi vào tình trạng thiếu chất, không đủ năng lượng, rất dễ bị suy dinh dưỡng, sức đề kháng kém nên khó chống chọi được với bệnh tật.
Cách chăm sóc và điều trị cho trẻ sốt phát ban
Để trẻ nghỉ ngơi ở nhà, tránh cho trẻ đi học, đi chơi làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh cho những trẻ khác.
Mẹ cần theo dõi nhiệt độ cơ thể của trẻ. Nếu trẻ bị sốt nhưng không khó chịu, mệt mỏi, vẫn ăn uống bình thường thì không cần cho trẻ sử dụng thuốc. Ngược lại, nếu trẻ sốt cao, mẹ cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để cho trẻ uống thuốc hạ sốt. Bên cạnh đó, mẹ có thể chườm ấm hoặc dùng khăn lau mát cho trẻ để giúp hạ nhiệt độ cơ thể bé.
Để ngăn ngừa mất nước, trẻ cần được uống nước đầy đủ, bổ sung thêm sữa và nước trái cây. Ngoài ra, mẹ có thể cho bé uống thêm dung dịch bù nước và bù điện giải.
Bổ sung vitamin A với liều lượng phù hợp theo từng độ tuổi để bảo vệ đôi mắt cho trẻ sốt phát ban.
Cho bé dùng quất chưng đường phèn, trà gừng hoặc thuốc ho thảo dược để làm dịu tình trạng viêm sưng, đau họng.
Giữ vệ sinh cơ thể trẻ bằng cách nhỏ nước muối sinh lý thường xuyên, cho trẻ súc miệng nước muối và tắm rửa sạch sẽ để tránh nhiễm trùng da.
Trẻ cần được bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng đế giúp cơ thể mau hồi phục và tăng sức đề kháng. Nên cho trẻ ăn các thức ăn lỏng, dễ tiêu, chia thành nhiều bữa nhỏ. Kiêng trứng, đồ ăn cay nóng để tránh tích tụ một lượng nhiệt lớn cho cơ thể trẻ.
Không cho trẻ tiếp xúc với các loại hoá chất tẩy rửa, lông động vật. Tuyệt đối không cho trẻ dùng tay gãi lên bề mặt da hoặc mặc các bộ đồ bó sát người để tránh gây kích ứng cho da.
Nếu trẻ sốt cao quá mức kèm theo co giật, phân có máu, chảy mủ tai, trẻ phát ban và sốt kéo dài trên 7 ngày liên tục, trẻ có các dấu hiệu mất nước nghiêm trọng, ban không phai nhạt sau 3 ngày, hoặc trẻ có tiền sử suy giảm hệ thống miễn dịch thì cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được chăm sóc và điều trị.