Được chứng kiến sự phát triển của trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi là niềm hạnh phúc của bất kì ông bố bà mẹ nào. Hãy cùng các bác sĩ Nhi khoa của bệnh viện Hồng Ngọc điểm lại những dấu ấn quan trọng trong một tháng đầu đời của trẻ
Sự tăng trưởng
Khi được 1 tháng tuổi nếu thấy em bé bị ít cân thì cha mẹ cũng đừng quá lo lắng. Bởi thông thường trẻ sẽ mất khoảng 10% trọng lượng so với lúc sinh, trước khi trở nên ổn định và bắt đầu tăng cân.
Hai tuần tuổi, cân nặng bé sẽ bằng trọng lượng sơ sinh và sẽ tăng cân nhanh chóng trong tháng đầu tiên, khoảng 14 – 28 gram/ ngày. Đây là biểu hiện bình thường trong quá trình phát triển của trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi. Bác sĩ sẽ kiểm tra sự tăng cân của bé cùng thông qua một biểu đồ tăng trưởng để đảm bảo em bé phát triển với tốc độ vừa phải.
Kỹ năng vận động
Hệ thần kinh của trẻ vẫn đang trong quá trình phát triển hoàn thiện, nhưng bé vẫn có thể thực hiện được một số hành động đơn giản trong tháng đầu tiên. Nếu để ý quan sát bạn sẽ thấy em bé có một số phản xạ bẩm sinh như mút. Chẳng bao lâu sau khi sinh, với sự giúp đỡ của mẹ, em bé có thể bám vào núm vú để mút. Nếu đặt ngón tay vào bên trong lòng bàn tay của bé, em bé sẽ có phản ứng nắm tay lại. Khi bị giật mình, em bé sẽ nhanh chóng đưa hai tay và hai chân ra ngoài và sau đó lại trở về trạng thái bình thường, đây gọi là phản xạ Moro. Một điều khá thú vị là tuy mới được1 tháng tuổi, em bé cũng sẽ có bản năng đi bộ. Nếu bạn đặt bàn chân của trẻ sơ sinh trên bề mặt rắn và giữ phần thân, em bé có thể duỗi chân di chuyển vài bước.
Giác quan
Vì trẻ mới sinh nên thị lực vẫn còn kém, bị cận thị và chỉ có thể nhìn thấy các vật rõ nhất ở khoảng 20-30cm. Điều đó có nghĩa trẻ sẽ được khuôn mặt của người mẹ khi đang cho bú và trong thực tế trẻ rất thích điều này. Nếu để ý, bạn có thể nhận thấy đôi mắt của bé 1 tháng tuổi có vẻ bị lé khi cố gắng tập trung. Điều này là hoàn toàn bình thường vì khả năng điều khiển mắt của trẻ sơ sinh chưa phát triển hoàn chỉnh. Tuy nhiên, nếu sau 3-4 tháng mà tình trạng này vẫn diễn ra thì mẹ nên đưa trẻ đi khám bác sĩ vì đó có thể là dấu hiệu của lác mắt.
Mặc dù thính giác của trẻ chưa phát triển đầy đủ, trẻ sơ sinh vẫn có thể nhận ra âm thanh – đặc biệt là giọng nói của cha mẹ vì đã nghe quen từ khi còn trong bụng mẹ . Nếu em bé có dấu hiệu không phản ứng lại với các âm thanh xung quanh thì cha mẹ cần thận trọng theo dõi thêm. Những tháng sau mà trẻ vẫn như vậy thì có thể trẻ sẽ gặp vấn đề về thính giác. Vị giác của trẻ chưa đủ trưởng thành để phân biệt được cay, đắng và chua nhưng lại rất thích vị ngọt. Trẻ đã có khả năng nhận biết mùi, có thể lần tìm ra hương thơm của núm vú và sữa mẹ trong những ngày đầu tiên của cuộc đời.
Ăn – Giao tiếp
Trong tháng đầu tiên sau khi sinh, bé chủ yếu bú sữa mẹ từ 8 – 12 lần/ngày. Nếu trẻ bú bình có thể chỉ cần ăn từ 6-8 lần/ngày. Bạn sẽ nhận ra ngay dấu hiệu khi em bé đang đói vì khi đó miệng bé sẽ chúm chím đòi ăn, đầu di chuyển qua lại tìm kiếm núm vú, có thể mở miệng ngay khi bạn chạm vào má. Khi được ăn đủ bé sẽ chìm ngay vào giấc ngủ. Dấu hiệu của việc bé ăn đủ sữa là thay tã từ 4-6 lần/ngày.
Khóc là phương tiện giao tiếp chủ yếu trong sự phát triển của trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi. Thời gian đầu em bé sẽ khóc đến khoảng 3 giờ mỗi ngày và sẽ giảm dần theo thời gian. Bé thường khóc khi đói, tã ướt, hoặc do mệt mỏi. Khi đó bạn nên kiểm tra và đáp ứng những nhu cầu của con. Một số em bé khóc quá nhiều có thể do bị đau bụng hay gặp vấn đề khác về sức khỏe, lúc này bạn cần đưa bé tới bệnh viện để được các bác sĩ thăm khám.